MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám sát thoái vốn ở Vinamilk

20-10-2015 - 07:46 AM | Doanh nghiệp

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, cho rằng, với lượng vốn hóa lên tới 2,5 tỷ USD (hơn 50.000 tỷ đồng), Quốc hội cần giám sát chặt việc thoái vốn cũng như sử dụng vốn thoái từ Vinamilk cũng như các doanh nghiệp (DN) khác.

Theo ông Kiên, đến thời điểm hiện tại, quyết định buộc SCIC thoái vốn khỏi 10 DN là quyết định đúng phù hợp với kinh tế thị trường, có điều là làm quá chậm so với việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng và chậm so với nhiệm vụ mà Đại hội Đảng đã giao.

Nhiều người đặt vấn đề động cơ bán vốn tại 10 DN nhằm lấy tiền trả nợ nhưng việc bán vốn là đa mục tiêu, trong đó có phần tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư. Tất nhiên, trong này có yếu tố vì vấn đề ngân sách.

Trong số 10 DN này, theo ông Kiên, có thể chọn 4-5 DN để thoái vốn ngay từ năm 2016. Như với Vinamilk có thể bán qua sàn chứng khoán, vấn đề là cách bán thế nào. Trước mắt có thể bán 5% trong số gần 45% cổ phần của SCIC đang nắm giữ sau đó bán dần tiếp. Với việc thoái vốn lên tới khoảng 2,5 tỷ USD phải căn cứ Luật Ngân sách và có ghi số vốn này vào ngân sách và thực hiện theo kế hoạch ngân sách 5 năm hay.

Việc thoái vốn này sẽ đặt trong kế hoạch vốn-ngân sách giai đoạn 2016-2020. “Chúng tôi sẽ có trách nhiệm đặt vấn đề giám sát việc quản lý, sử dụng số tiền thu về này theo đúng luật. Số tiền này phải được sử dụng theo Luật Ngân sách. Việc bán ra cũng phải có kế hoạch: Dự kiến bán bao nhiêu, thu được bao nhiêu và ai là người chịu trách nhiệm trong việc bán này.

Số tiền thu được này sẽ được coi là một khoản tiền đặc biệt của ngân sách để đầu tư xây dựng, ví dụ dùng để xây nhà máy thủy điện Lai Châu trong vòng 2 năm nữa là xong, hoặc để hoàn trả 162.000 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn thời hạn vay dưới 3 năm để vay lại với kỳ hạn dài hơn”, ông Kiên nói.

Trả lời PV Tiền Phong, Giám đốc Điều hành Vinamilk Bùi Thị Hương cho rằng, việc SCIC bán vốn tại Vinamilk được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. “Quan điểm của Vinamilk là cần bán đấu giá công khai, rộng rãi để đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Tuy nhiên, một chuyên gia lâu năm trong ngành sữa khẳng định, việc thoái vốn công khai qua hình thức đấu giá trực tiếp giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Số tiền thu được qua hình thức đấu giá công khai luôn cao hơn số tiền bán chỉ định hoặc bán vốn qua hình thức khác như qua sàn chứng khoán.

“Với DN có lượng vốn lớn như Vinamilk nếu SCIC bán lượng lớn cổ phiếu ra thị trường sẽ làm giảm giá trị cổ phiếu. Việc bán vốn qua đấu giá công khai sẽ tránh tình trạng bắt tay ngầm giữa các đơn vị nhằm thâu tóm Vinamilk”, vị này phân tích.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên