MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái đắng từ đấu thầu gạo giá rẻ của Vinafood 1,2

01-06-2014 - 11:28 AM | Doanh nghiệp

Đại diện Việt Nam đã cử người sang Philippines đàm phán lại với Cơ quan lương thực quốc gia Philippines liên quan đến hợp đồng xuất khẩu 800.000 tấn gạo.

Vừa đấu thầu giá rẻ, lần này, Việt Nam lại tiếp tục lo lắng vì những ràng buộc từ phía Philippines về chất lượng gạo và mức phạt đưa ra khiến một số doanh nghiệp xin trả hợp đồng.

Doanh nghiệp thua lỗ, xin trả hợp đồng

Cụ thể, theo thông tin trên TBKTSG, đại diện Việt Nam là Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood 1 và 2) được Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA và Bộ Công thương chỉ đạo sang Philippines đàm phán lại với Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) về một số điều kiện khi giao hàng.

Cuộc đàm phán này, phía Việt Nam mong muốn NFA sửa lại những điều kiện trong hợp đồng 800.000 tấn được ký kết giữa Việt Nam và NFA theo hướng có lợi hơn cho Việt Nam.

Lý do khiến VFA và Bộ Công Thương yêu cầu Vinafood 1 và 2 đi đàm phán lại với NFA vì trước đó có một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đã có văn bản gửi đến VFA và Vinafood 2 xin không thực hiện hợp đồng ủy thác do Vinafood 2 giao.

Với lý do lỗ, nhiều doanh nghiệp đã xin trả lại hợp đồng cung ứng gạo xuất khẩu.
Với lý do lỗ, nhiều doanh nghiệp đã xin trả lại hợp đồng cung ứng gạo xuất khẩu.

Cụ thể, đối với Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), doanh nghiệp đã xin rút lui do giá trúng thầu quá thấp và hợp đồng ràng buộc nhiều điều kiện không có tiền lệ.

Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát nêu quan điểm: “Bây giờ đàm phán, yêu cầu NFA sửa lại một số điều kiện khi giao hàng cũng là hơi khó. Nếu có sửa thì NFA cũng đặt vấn đề phải hạ giá nữa thôi”.

Ông Tuấn cũng cho biết, theo ràng buộc của hợp đồng, khi giao hàng cho NFA, nếu tỷ lệ tấm nhiều hơn 1% (mức quy định trong hợp đồng) doanh nghiệp sẽ bị phạt 3 đô la Mỹ/tấn, lố 2% sẽ bị phạt 6 đô la Mỹ/tấn và nhiều hơn 10% thì sẽ bị phạt 30 đô la Mỹ/tấn.

Vinafood 1, Vinafodd 2 - "con buôn" dở

Liên quan đến hợp đồng cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines, VFA mà trực tiếp là Vinafood I và Vinafood II, đã bán 800.000 tấn gạo với giá quá bèo, làm mất đi khoản tiền khổng lồ, ước lên tới 23,2 triệu USD.

Trong khi đó, theo phân tích, Việt Nam hoàn toàn có thể bán được với giá cao vì đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong thực hiện hợp đồng cung cấp gạo cho Philippines chỉ có Thái Lan, bởi xét về cự ly giao hàng đến Philippines, thì Ấn Độ và Pakistan xa hơn Việt Nam rất nhiều và giá bán của họ cũng cao hơn.

Trước khi đấu thầu, NFA đưa ra tiêu chuẩn: chỉ chấp nhận nhập gạo không quá 4 tháng, kể từ khi được thu hoạch. Trong khi đó, Thái Lan họ đã ngưng mua kể từ tháng 2/2014, có nghĩa là gạo của Thái Lan chủ yếu là tồn kho của năm 2013 và 2012.

Khi NFA công bố kết quả đấu thầu của hợp đồng này vào ngày 15/4/2014 rồi, đại diện của Thái Lan chỉ bỏ thầu cung cấp với khối lượng vỏn vẹn chỉ 100.000 tấn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị mới đây cho biết, Việt Nam có thể làm giàu được bằng nông nghiệp.
Sự yếu kém của thương nhân và nhà nước trong tổ chức quản lý chuỗi giá trị sản phẩm gạo đã vắt kiệt sức nông dân

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại từng nêu quan điểm, với lần bỏ thầu giá thấp này, tất cả thương nhân nước ngoài mua gạo Việt Nam đều lấy giá này làm đối sánh đánh sập toàn bộ giá gạo Việt Nam xuống thấp.

"Ngành lúa gạo Việt Nam là một thế mạnh nhưng càng ngày càng bị bào mòn, vắt kiệt sức của nông dân do sự yếu kém của thương nhân và nhà nước tổ chức quản lý chuỗi giá trị sản phẩm gạo không làm được.

Nhà nước yếu kém không quản lý lại để quan chức về hưu làm Hiệp hội không có tư duy về kinh doanh mà chỉ ngồi để ăn chặn, tiếp tục lấy tư duy bao cấp ra làm", PGS TS Nguyễn Văn Nam nói.

Đồng quan điểm, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng chỉ thẳng, các Tổng công ty lương thực nắm hết thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phát triển theo cơ chế độc quyền kép: độc quyền thu mua và xuất khẩu lúa gạo, đồng thời là độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, là rào cản các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường lúa gạo Việt Nam.

"Hiệp hội Lương thực Việt Nam có quá nhiều quyền trong việc đề xuất chính sách, song lại hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước, làm việc phân phối xuất khẩu gạo.

Hiệp hội không có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, cũng không quan tâm đến nông dân mà thay vào đó là bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu", nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nói. Ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng giống với nhiều chuyên gia nông nghiệp tâm huyết.

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam nói thẳng, doanh nghiệp thể hiện vai trò con buôn kiếm lời khiến nông dân luôn bị thiệt.

Theo Hà Anh

thunm

Báo Đất Việt

Trở lên trên