MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Truy thu thuế với doanh nghiệp FDI: Thanh tra đã "đánh trống", còn…

25-02-2014 - 10:55 AM | Doanh nghiệp

Sau 5 tháng kể từ khi có kết luận thanh tra, theo cơ quan Thuế, đến giờ các DN mới tự giác nộp được 5,47 tỷ đồng, chưa đầy 6,3% số tiền cần thu hồi.

Năm 2013, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã yêu cầu xử lý, truy thu hơn 58,5 tỷ đồng và 1,35 triệu USD tiền thuế sau khi thanh tra 399 doanh nghiệp (DN) tại các khu chế xuất. Nhưng đến giờ, số tiền mà DN tự giác nộp chỉ vỏn vẹn 5,47 tỷ đồng. Nhiều bất cập, chưa thống nhất trong các quy định hiện hành khiến việc xử lý vi phạm, thu hồi tiền thuế gặp khó khăn.

TTCP vừa thông báo tình hình thực hiện Kết luận số 2053/KL-TTCP về thanh tra việc thu ngân sách tại khu chế xuất và DN chế xuất tại Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Dấu hiệu chuyển giá, "né" thuế của nhiều DN đã bị cơ quan thanh tra chỉ ra, song để xử lý, phạt DN lại không dễ dàng.

DN vô tư "lỗ triền miên"!

Trước đó, TTCP đã tiến hành tổng kiểm tra, xác định: tổng số thuế các loại phải nộp của 399 DN ở các khu chế xuất này là gần 688 tỷ đồng (tại thời điểm 32/12/2011). Điều ngạc nhiên là, có 125/399 DN báo lỗ trong nhiều năm với tổng số lỗ vài nghìn tỷ đồng, dù vẫn tăng trưởng doanh thu, mở rộng đầu tư.

Trong số này, có 36 DN hạch toán lỗ trong 3 năm liền, lỗ lũy kế hơn 2.856,8 tỷ đồng. Hơn 17% DN khác bị lỗ liên tiếp 2 năm với số lỗ trên 1.829,8 tỷ đồng. Với việc hạch toán lỗ, các DN sẽ không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), ảnh hưởng đáng kể đến thu ngân sách.

Tiếng là 4 địa phương thu hút nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có giá trị xuất khẩu rất lớn, song thực tế, tiền thuế từ khối DN này lại không tương xứng. Bởi hơn một nửa số DN trong khu chế xuất tại các địa phương này đã không có lãi hoặc báo lỗ nhiều năm, thậm chí số lỗ đã vượt vốn chủ sở hữu.

Đáng kể tên là các DN đến từ Nhật Bản đã báo lỗ 3 năm liền, như: Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam (lỗ hơn 777,67 tỷ đồng), Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (lỗ 300 tỷ đồng), Công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (lỗ 430 tỷ đồng); Công ty TNHH Olympus Việt Nam (lỗ lũy kế 2 năm trên 256 tỷ đồng)...

Qua kiểm tra, TTCP đã rà soát lại chi phí đầu vào, đầu ra, tính toán lại doanh thu, lợi nhuận… từ đó, buộc DN phải điều chỉnh giảm lỗ, tăng số tiền nộp thuế các loại. Cụ thể, số tiền thuế được xử lý tại Tp.HCM là hơn 38 tỷ đồng, Hà Nội là 5,2 tỷ đồng, Đồng Nai là 14,28 tỷ đồng và 1,35 triệu USD, Bình Dương là 1,25 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế hơn 86,9 tỷ đồng và tiền của ngân sách đã bị các DN gian lận, chiếm dụng.

Chính sách thuế "có vấn đề"?

Sau 5 tháng kể từ khi có kết luận thanh tra, theo cơ quan Thuế, đến giờ các DN mới tự giác nộp được 5,47 tỷ đồng, chưa đầy 6,3% số tiền cần thu hồi. Số tiền còn thiếu hiện vẫn đang phải đôn đốc, chưa rõ khi nào thu hồi được. Kết quả "hậu" thanh tra quá ít ỏi này, phải chăng do DN chây ỳ hay có vướng mắc trong cơ chế, chính sách thuế?

Theo đánh giá của TTCP, có hiện tượng DN "lỗ giả, lãi thật", chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết với nước ngoài. Tuy nhiên, TTCP cho rằng việc xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan Thuế đã tích cực xử lý, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế vì không thể xác minh các dữ liệu, thông tin ở nước ngoài về dấu hiệu chuyển giá của DN FDI hay DN chế xuất. Mặt khác, sự phối hợp giữa cơ quan Thuế và Hải quan còn lỏng lẻo trong việc xác định căn cứ tính thuế hàng hóa xuất nhập khẩu.

Do đó, TTCP kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi chính sách để phát hiện và xử lý hành vi chuyển giá của DN chế xuất gia công hàng xuất khẩu nói riêng và DN FDI nói chung.

Một vấn đề bất cập được TTCP chỉ rõ là việc hướng dẫn chính sách thuế của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế có mâu thuẫn nhau. Đơn cử như trường hợp tại Công ty Loteco (Đồng Nai), năm 2011, Tổng cục Thuế có văn bản hướng dẫn DN xác định doanh thu, thu nhập chịu thuế, phương pháp chuyển lỗ, thời gian ưu đãi thuế TNDN.

TTCP cho rằng hướng dẫn này không đúng với quy định tại Thông tư 128 (năm 2003) của Bộ Tài chính và mâu thuẫn với Công văn 1720 (năm 2010) của chính Tổng cục Thuế. Bên cạnh đó, một số công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế về chính sách thuế, ưu đãi thuế có sự bất bình đẳng giữa các DN.

Trong một số trường hợp, quy định của pháp luật đối với DN chế xuất chưa thống nhất với quy định pháp luật về thương mại. Thể hiện trong việc thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu; xử lý phế liệu, phế phẩm, tài sản thanh lý thuộc diện cấm nhập khẩu; thuế mua ôtô từ thị trường nội địa, việc tái xuất tại chỗ đối với nguyên liệu nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu...

Sự thiếu thống nhất này đã gây khó khăn cho cơ quan Thuế, Hải quan khi hướng dẫn thuế. Những bất cập này, TTCP kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi chính sách nhất quán hơn.

Đối với riêng Bộ Tài chính, TTCP kiến nghị cần chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tăng cường các biện pháp quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, quản lý thuế với DN FDI, DN chế xuất, kịp thời xử lý các vi phạm của DN. Đồng thời, phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Tổng cục Thuế trong việc ban hành các công văn không đúng quy định.

Theo Thu Hằng

thunm

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên