MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây lắp dầu khí – cái tên thua lỗ năm 2012

26-02-2013 - 08:16 AM | Doanh nghiệp

Có khá nhiều “kỷ lục” trên thị trường chứng khoán rơi vào 4 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này. Lỗ khủng nhất, Top 10 cổ phiếu thị giá thấp nhất, Top 2 doanh nghiệp có tỷ lệ nợ/vốn chủ cao nhất…

Người ta vẫn ví von ngành dầu khí với việc “đào vàng đem lên mà bán, làm gì chẳng lãi”. Trên thực tế, các doanh nghiệp dầu khí và liên quan đến dầu khí vẫn luôn là mơ ước, trước hết của người lao động, rồi đến nhà đầu tư… Tuy nhiên, khủng hoảng 2012 không trừ một ai. Quan sát tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp họ “xây lắp dầu khí” – một loại hình doanh nghiệp phụ trợ cho khai thác dầu khí – nhà đầu tư không khỏi giật mình.

Lỗ khủng

4 doanh nghiệp xây lắp dầu khí đang niêm yết, PVX là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn hơn cả và là cổ đông lớn/công ty mẹ của 3 doanh nghiệp còn lại. Và, đáng buồn thay, PVX cũng là doanh nghiệp gánh khoản lỗ lớn nhất thị trường chứng khoán hiện nay (không tính ngân hàng và các tổ chức tín dụng).

Theo báo cáo hợp nhất, năm 2012 PVX lỗ trên 1.000 tỷ đồng. Trước đó, PSG đã gây chấn động với khoản lỗ khủng 250 tỷ đồng và giữ vị trí quán quân một thời gian.

4 doanh nghiệp họ “xây lắp dầu khí” hiện đang niêm yết (PVX, PSG, PVAPXM) đều lỗ trên 100 tỷ đồng năm 2012. Mỗi doanh nghiệp một nguyên nhân, nhưng nhìn chung sự bế tắc trong xây dựng công trình là mấu chốt khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này thảm hại đến như vậy.

Quan sát doanh thu và LNST (phần dành cho cổ đông công ty mẹ) của 4 doanh nghiệp này, có thể thấy rõ sự sụt giảm bất ngờ của năm 2012.

Đơn vị: Tỷ đồng

Nợ phải trả gấp 5 lần vốn chủ sở hữu

Một tình trạng chung của các doanh nghiệp xây lắp dầu khí hiện nay đó là tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu quá cao. Năm 2012, tỷ lệ này đạt con số 5,45 lần. Tỷ lệ này không ngừng tăng lên trong những năm vừa qua.

Rõ ràng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính đã phần nào giúp các doanh nghiệp tận dụng được lợi thế về vốn và đem lại sự tăng trưởng khá về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, đến giai đoạn khủng hoảng, gánh nặng nợ nần lại trở thành “tội đồ” của không ít doanh nghiệp.


Đơn cử PSG. Tính đến cuối năm 2012, khoản lỗ lũy kế chưa phân phối đã gặm nhấm gần hết vốn chủ sở hữu của công ty, chỉ còn vỏn vẹn 16 tỷ đồng. Năm 2011, công ty này vẫn còn gần 268 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Khoản lỗ khủng năm 2012 đã đổ xuống sông xuống bể mọi thành quả của công ty trong những năm trước đó. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của PSG năm 2012 lên tới 63 lần.

Thị giá không vượt quá 7.000 đồng

Với tình hình hoạt động kinh doanh và các chỉ số tài chính không đảm bảo, PSG là cổ phiếu có thị giá thấp nhất, chỉ vỏn vẹn 1.300 đồng. Trong 6 tháng trở lại đây, thị giá cổ phiếu này chưa bao giờ vượt quá ngưỡng 2.000 đồng, một cái giá quá bèo trên thị trường chứng khoán. Theo thống kê tại ngày 25/2/2013, PSG thuộc Top 10 cổ phiếu có thị giá thấp nhất trên cả hai sàn chứng khoán hiện nay.

Là công ty lớn nhất với quy mô vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng, PVX tỏ ra “đắt giá” hơn. Nhưng thị giá của công ty này cũng chỉ đạt 7.000 đồng, theo kết quả đóng cửa phiên giao dịch 25/2/2013. Sau báo cáo tài chính năm mà chúng tôi đã có dịp đề cập, giá cổ phiếu PVX đã giảm 100 đồng/CP.

Như vậy có khá nhiều “kỷ lục” trên thị trường chứng khoán rơi vào 4 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này. Lỗ khủng nhất, Top 10 cổ phiếu thị giá thấp nhất, Top 2 doanh nghiệp có tỷ lệ nợ/vốn chủ cao nhất….

Minh Huyền

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên