Doanh thu về 0 trong đại dịch, Vietravel, Bamboo Airways lấy gì trả lương nhân viên?
Vietravel đang có doanh thu khoảng 1,5 triệu USD/ngày và cao điểm doanh thu của Bamboo Airways khoảng 2,5 - 3 triệu USD/ngày nhưng tất cả giảm về 0 khi dịch Covid-19 xuất hiện...
"Vietravel có khoảng triệu lượt khách du lịch trong năm 2019, 64 văn phòng, 40 chi nhánh trong và 6 văn phòng ở ngoài nước. Doanh thu thời điểm trước dịch Covid-19 từ 1,5 triệu USD/ngày nhưng tất cả trở về số 0 khi dịch bệnh xuất hiện" - ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, chia sẻ tại Diễn đàn kinh doanh 2021 với chủ đề: "Con đường phía trước" do Forbes Việt Nam, tổ chức chiều 9-12.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trong tới ngành du lịch Việt Nam. Năm 2019, ngành du lịch có khoảng 135.000 doanh nghiệp lưu trú, 19 triệu khách nước ngoài và 82 triệu khách trong nước, khoảng 2.300 doanh nghiệp lữ hành... Nhưng tất cả bị ảnh hưởng nặng nề sau khi dịch xuất hiện.
Chưa ai từng trải qua khủng hoảng như khi dịch Covid-19 xuất hiện và tác động, kể cả dịch SARS năm 2002 hay khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng khó so sánh với đại dịch lần này.
"Chúng tôi mất khoảng 10 ngày rơi vào tình trạng hoảng loạn, thật sự choáng! Nhưng rồi phải tổ chức lại, vì dịch không thể một sớm một chiều đi qua" – ông Kỳ nhớ lại.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên phụ thuộc vào tâm lý xã hội và hoạt động kinh tế. Do đó, Vietravel đã xây dựng kế hoạch chuyển công ty sang trạng thái "ngủ đông tích cực" - giữ nền tảng cơ bản nhất của hệ thống để vẫn hoạt động, tập trung vào công tác xã hội, giải quyết vấn đề về marketing để khách du lịch không… quên doanh nghiệp.
Và để trở lại, Vietravel đã xây dựng 4 giai đoạn phục hồi là "rã đông, khởi động, tăng tốc và về đích" và đang ở giai đoạn khởi động vì giãn cách xã hội cũng chỉ vừa kết thúc vào tháng 10-2021.
"Du lịch chỉ có thể quay trở lại vào dịp Tết Nguyên đán 2022, khi nhu cầu đi lại, du lịch tăng lên và chỉ có thể kỳ vọng vào du lịch nội địa" - ông Kỳ nói.
Trong khi đó, với hãng hàng không chỉ mới có mặt 3 năm trên thị trường, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways, nhận định hàng không và du lịch là 2 lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực diện, ngay lập tức với dịch Covid-19. Ngay sau khi kết thúc năm đầu tiên 2019, hãng đã có dấu ấn trên thị trường, tăng đội máy bay quy mô lên 20 chiếc và chiếm khoảng 13% thị phần của ngành hàng không trong nước.
"Thời điểm cao điểm doanh thu của hãng từ 2,5 - 3 triệu USD/ngày nhưng dịch ấp tới, doanh thu lập tức về 0 trong khi chi phí vẫn phải trả đều ở mức cao như chi phí thuê mua máy bay" – ông Thắng nói.
CEO của Bamboo Đặng Tất Thắng cho hay chiến lược tập trung vào thị trường nội địa trong năm 2020 góp phần giúp hãng mở rộng mạng lưới, duy trì trong đại dịch
Khó khăn nhưng đổi lại, ban lãnh đạo Bamboo đã có tầm nhìn ngay đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện, hãng đã nhận định thị trường quốc tế có thể đóng cửa nên ngay lập tức tạm dừng tất cả kế hoạch mở đường bay quốc tế để tập trung vào nội địa. Điều này giúp Bamboo là hãng hàng không hiếm hoi trên thế giới vẫn có sự tăng trưởng trong năm 2020, từ đội tàu bay 20 lên 30 chiếc, tăng trưởng thị phần từ 13% lên xấp xỉ 20%.
Đến nay, hãng cũng gần như phủ khắp mạng lưới các sân bay của Việt Nam với việc liên tiếp mở đường bay mới. Như hãng vừa khai trương đường bay thẳng TP HCM đi Điện Biên, đưa vào khai thác dòng máy bay mới để bay thẳng từ Hà Nội đi Côn Đảo, và khai trương Hà Nội đi Cà Mau…
"Việc phủ toàn bộ đường bay nội địa trong năm 2020 góp phần là giảm thiệt hại cho hãng khi đường bay quốc tế giảm. Hàng không có đặc thù là sẽ phục hồi như đồ thị hình chữ V, và nhu cầu đi lại gia tăng ngay sau khi dịch được kiểm soát. Do đó, trong nguy có cơ, trong thời gian chuẩn bị bay nội địa, hãng cũng chuẩn bị cho đường bay quốc tế và cuối năm 2021, hãng cũng chính thức bay thẳng tới Mỹ, và sắp tới là bay thẳng đi Đức" – ông Thắng cho hay.
Đến giờ, lãnh đạo Bamboo chia sẻ đã có những sự chuẩn bị nằm trong chiến lược để đến năm 2022 sẵn sàng trở lại.
Phi công đồng ý bay không lương 3 tháng
Trong bài toán về nhân sự, CEO của Bamboo cho hay nguồn lực là quan trọng nhất để trở lại sau dịch, vì nếu không giữ được thì sẽ khó phục hồi sau dịch. Do đó, ngay tại thời điểm dịch bùng phát hãng đã cơ cấu lại chi phí tài chính, các khoản thu chi, tìm mọi cách để khai thác thêm khoản thu như dùng máy bay chở khách chuyển sang chở hàng hóa…
"Khi chúng tôi vận động người lao động ủng hộ hãng, toàn bộ phi công đã đồng ý bay không lương trong 3 tháng, thật sự rất cảm động. Khi dịch, đúng là ai cũng có chút hoảng loạn nhưng sau đó cùng nhau đoàn kết, cùng vượt qua" – ông Thắng chia sẻ.
Người lao động