MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đội sổ” trong danh sách đen 12 đại dự án thua lỗ, các dự án của PVN giờ ra sao?

Trong số 12 dự án thuộc ngành Công Thương đầu tư nhiều, thua lỗ lớn, PVN đã sở hữu đến 5 dự án.

Tại báo cáo mới đây của Chính phủ gửi Quốc hội phục vụ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án , doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký đã đưa ra nhận định, kể từ sau Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tới nay, tình hình ở các dự án, doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn.

Trong danh sách 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ có đến 5 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN ), 4 dự án thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem)… Cụ thể, 5 dự án, doanh nghiệp thuộc PVN là Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Công ty DQS và Dự án nhà máy sản xuất polyester Đình Vũ

Báo cáo cho biết, đối với Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, theo Đề án xử lý tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phương án được ưu tiên chọn để xử lý dự án này là: Khởi động, vận hành lại nhà máy, sau đó chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án.

Đến nay Nhà máy đã khởi động, vận hành trở lại tuy nhiên, còn 2 vấn đề lớn ở dự án này cần phải giải quyết là xử lý các vấn đề tranh chấp trong hợp đồng EPC, quyết toán hoàn thành dự án: Việc này đang được các đơn vị triển khai theo chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo và cần có phương án ổn định về vùng nguyên liệu phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất ổn định và hiệu quả của nhà máy.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, vấn đề hiện tại của Dự án này chủ yếu liên quan tới thị trường đầu ra và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh của nhà máy.

Nếu thị trường thuận lợi thì về cơ bản Dự án này sẽ có thể vận hành bình thường. Khi đó, có thể thực hiện được phương án đề ra là PVOil chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án.

Tuy nhiên, đối với Dự án này phía PVOil chỉ có phần vốn góp 29%. Do vậy, hướng giải quyết trong thời gian tới là trao đổi, thống nhất với cổ đông việc xác định phương án quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất của Nhà máy.

Theo đó, cách tiếp cận xử lý có thể tương tự như đối với Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi như nêu trên để có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho hoạt động sản xuất của Nhà máy. Đồng thời, PVOil cần xây dựng ngay phương án để thoái vốn khỏi Dự án.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ có 4 phương án xử lý Dự án này được xác định gồm: Tiếp tục triển khai Dự án với nhà thầu PVC; Tiếp tục triển khai Dự án với nhà thầu khác, thanh lý hợp đồng với nhà thầu PVC; Dừng triển khai Dự án, phá sản Công ty; PVOil chuyển nhượng/thoái vốn khỏi Dự án.

Trong thời gian qua, PVN đã chỉ đạo PVOil và các đơn vị có liên quan tìm kiếm nhà đầu tư để tiếp tục triển khai Dự án nhưng tới nay cho thấy việc này là khó khả thi.

Do vậy, hướng sắp tới được đề xuất xem xét, thực hiện phương án: Dừng triển khai Dự án, phá sản Công ty. Hiện nay, PVOil đang đề xuất triển khai phương án tiến hành thủ tục phá sản đối với PVB theo quy định của Luật phá sản.

Tuy nhiên, đây là Dự án mà PVOil không phải là cổ đông chính của Dự án (chỉ chiếm 39,76%) nên không quyết định được toàn bộ các vấn đề của Dự án và việc tiếp tục xử lý dự án sẽ phụ thuộc vào các cổ đông ngoài ngành (chiếm tới 60,24%).

Đối với Công ty DQS, đến nay, Công ty DQS vẫn tiếp tục có các đơn hàng thi công đóng mới, sữa chữa cho một số các tàu hàng dịch vụ của các đơn vị trong ngành, tuy nhiên giá các đơn hàng này không lớn.

Tại công ty này vướng mắc liên quan đến việc thực hiện quyết toán Hợp đồng EPC dự án xây dựng Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - Giai đoạn 1 vẫn chưa đạt được thống nhất giữa SBIC (chủ thể của hợp đồng EPC) và  PVN/DQS. Chưa xác định được giá trị tàu chở dầu 104.000 DWT để thực hiện chuyển giao dự án tàu.

Đối với Dự án nhà máy sản xuất polyester Đình Vũ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy sau khi khởi động lại đã khá tích cực, đồng thời đã xử lý xong tranh chấp Hợp đồng EPC.

Do vậy, những việc cần tập trung ổn định sản xuất, đồng thời kiến nghị điều chỉnh một số chính sách về thuế; Cơ quan Công an xem xét, phân định rõ trách nhiệm giai đoạn đầu tư để tạo điều kiện cho cán bộ kế tiếp và đối tác yên tâm phục hồi Nhà máy.

Theo Bảo Vy

BizLive

Trở lên trên