Dồn dập tin vui, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh tuần qua: VIB tăng mạnh nhất 15,4%, khối ngoại gom CTG, STB và tiếp tục "xả" VPB
Trong tuần giao dịch qua (22-26/11), nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực khi ghi nhận 26/27 mã tăng giá, chỉ một mã giảm nhẹ là PGB (-1,3%). Trong đó, phiên 24/11 "sáng" nhất với hàng loạt mã tăng kịch trần như EIB, OCB, SSB, STB, VIB.
- 26-11-2021Khối ngoại "xả" mạnh cổ phiếu VPB, riêng phiên 26/11 bán ra hơn 14,4 triệu cp
- 26-11-2021Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng: Mã nào hút nhiều tiền nhất những ngày qua?
- 24-11-2021Cổ phiếu ngân hàng nào tăng giá mạnh nhất kể từ đầu tháng 11 tới nay?
Tính chung cả tuần, VIB và OCB là 2 cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất, lần lượt tăng 15,4% và 14,3%.
Theo đó, trong tuần qua, giá cổ phiếu OCB đã lập đỉnh mới ở mức 30.500 đồng/cp. Kể từ đầu tháng 11, cổ phiếu OCB đã tăng giá gần 15%.
VIB mặc dù tăng mạnh tuần qua nhưng vẫn cách mức đỉnh lập được hồi đầu tháng 6 khá xa.
Nhiều cổ phiếu khác cũng tăng trên 10% trong tuần rồi như STB (tăng 10,6%), SSB (tăng 11,8%), MSB (tăng 12,8%). Hoặc xấp xỉ 10% có ABB (tăng 9,3%), TPB (tăng 9,2%). Sự tăng giá mạnh mẽ tuần vừa rồi đã giúp cổ đông ngân hàng phấn chấn trở lại sau khoảng 4 tháng điều chỉnh trước đó.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tăng mạnh tuần qua. Trong đó, khối lượng giao dịch của STB đứng đầu với hơn 171 triệu cp được trao tay giữa các nhà đầu tư. Nhiều mã khác cũng ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 100 triệu cp, như VPB (138 triệu đơn vị), TCB (126 triệu đơn vị), MBB (113 triệu đơn vị) và LPB (111 triệu đơn vị).
Về giao dịch khối ngoại, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 39 triệu cổ phiếu VPB trong tuần rồi. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng CTG (hơn 7,4 triệu cp), STB (hơn 5 triệu cp),…
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng vọt khi nhiều tin vui được công bố thời gian gần đây.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho hàng loạt ngân hàng thương mại. Theo đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành năm 2021 là khoảng 13,8%, cao hơn đáng kể so với dự kiến 11-12% trước đó.
Nhiều ngân hàng niêm yết được nới mạnh "room" tín dụng. Theo đó, TPBank là ngân hàng được cấp room cao nhất là 23,4%, tăng đáng kể so với mức 17,4% được giao trong quý 3. Hàng loạt ngân hàng khác cũng được nới room: Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBB (21%), VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...
Được biết, các ngân hàng có nguồn vốn dồi dào, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao, có năng lực quản trị rủi ro vững chắc, tuân thủ đúng theo chính sách của NHNN sẽ được ưu tiên nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Theo các chuyên gia, việc NHNN nới room tín dụng cho các ngân hàng cũng cho thấy chất lượng tài sản và chỉ số an toàn của nhiều ngân hàng vẫn ở mức tốt, không bị ảnh hưởng quá mạnh bởi đợt giãn cách xã hội trong quý 3/2021.
Các công ty chứng khoán cho biết, thông tin các ngân hàng được nới hạn mức tín dụng đã được thị trường đặt nhiều kỳ vọng thời gian qua, giúp ngân hàng có thêm vốn vay cuối năm, hỗ trợ đẩy nhóm cổ phiếu ngành này hồi phục sau khi trải qua 4 tháng điều chỉnh mạnh vừa rồi.
Thêm một tin tốt với nhiều nhà băng là Ngân hàng Nhà nước đang xem xét tiếp tục lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Thông tin này được đại diện cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chia sẻ ngày 24/11.
Cụ thể, ông Lê Trung Kiên, đại diện cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết, theo lộ trình thì từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỉ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%. Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục lùi thời điểm áp dụng thêm 1 năm nữa để các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, riêng từng ngân hàng cũng có những thông tin tích cực gần đây, trong đó phải kể đến việc các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đang tiến hành kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ.
Mới đây, BIDV công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Cụ thể, BIDV trình cổ đông phương án phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 25,77%. Thời gian phát hành là trong năm 2021-2022.đã trình.
Trong khi đó Vietcombank cũng sẽ sớm tiến hành việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ hơn 27%. Cuối tháng 10 vừa qua, sau khi được Chính phủ đồng ý bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.600 tỷ đồng, HĐQT ngân hàng này đã ban hành Nghị quyết phê duyệt tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019, theo phương án đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Đây là năm đầu tiên những ngân hàng "quốc doanh" như VietinBank, BIDV, Vietcombank được chia cổ tức bằng cổ phiếu. Điều này giúp những nhà băng này được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, có thêm nguồn vốn để tăng trưởng thời gian tới.
Nhiều ngân hàng khác được giới đầu tư kỳ vọng có tin vui trong thời gian tới hoặc có "game" về phát hành cổ phiếu, thay đổi cơ cấu cổ đông.
Như tại MSB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ bán toàn bộ 100% vốn ở Công ty Tài chính FCCOM. Hiện lãnh đạo MSB đang tiếp xúc với 2-3 nhà đầu tư và sẽ tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11 này.
Còn tại OCB, ngân hàng này đang đàm phán để bán tiếp 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau, thương vụ được dự báo sẽ sớm hoàn tất trong những tháng tới. Trước đó, trong năm 2020, ngân hàng đã tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tác Aozora Bank đến từ Nhật Bản, theo đó hiện Aozora Bank là cổ đông chiến lược nắm giữ 15% cổ phần và có 2 thành viên tham gia Hội đồng quản trị OCB.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chờ đón đợt phát phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược nước ngoài của VPBank,..