Đông dân nhất cả nước, huyện sắp lên thành phố sẽ có khu công nghiệp y dược đầu tiên của Việt Nam, rộng 338 ha
Khu công nghiệp y dược tập trung đầu tiên của cả nước quy mô 338 ha sẽ được xây dựng tại huyện Bình Chánh, TP HCM.
- 15-03-2024Tháng 10 sẽ khởi công đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
- 15-03-2024TPHCM sẵn sàng phủ sóng điện mặt trời mái nhà cho 50% hộ dân
- 15-03-2024Tuyến phà sông lớn nhất miền Bắc sắp 'nghỉ hưu", nhường chỗ cho cây cầu 2km trị giá gần 2.000 tỷ
UBND TP HCM vừa phê duyệt "Đề án phát triển công nghiệp dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đề án này sẽ là bước đột phá quan trọng để TP HCM sớm lập khu công nghiệp y - dược tập trung đầu tiên trên cả nước.
Theo đó, Đề án này nhằm đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh trong nước, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu với lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá.
Theo Đề án, từ nay đến năm 2025, TP HCM sẽ định hướng xây dựng khu công nghiệp dược bằng việc xây dựng, ban hành, cơ chế chính sách về quỹ đất, thuế, nguồn tài chính cũng như kêu gọi đầu tư; xác định các loại hình sản phẩm bao gồm dược phẩm công nghệ cao và trang thiết bị y tế, qua đó đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm được sản xuất trong khu công nghệ cao.
Đây được xem là chủ trương mang tính đột phá của TP HCM trong giai đoạn từ nay đến năm 2045. Khu công nghiệp chuyên ngành y dược sẽ được xây dựng tại Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 2, huyện Bình Chánh, diện tích 338 ha.
Với các chức năng chính là trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về lĩnh vực y dược và nơi tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuyên ngành y - dược, sản phẩm phụ trợ thuộc phân khúc kỹ thuật cao. Đây còn là trung tâm giao dịch về các sản phẩm chuyên ngành y - dược và sản phẩm phụ trợ.
Từ năm 2025 - 2030, TP HCM sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp dược với quy mô khoảng 300 ha, từng bước đưa vào hoạt động thực tế. Từ năm 2030 - 2045 sẽ đưa khu công nghiệp dược hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo tính kết nối - liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghệ.
Khu công nghiệp tại huyện đông dân nhất cả nước, sắp lên thành phố
Khu công nghiệp y dược đầu tiên của Việt Nam được đặt tại huyện Bình Chánh. Đây là huyện rộng thứ 3 của TP HCM, có tổng diện tích tự nhiên là 253km2, chiếm 12% diện tích toàn thành phố. Đây là huyện đông dân nhất của cả nước với hơn 815.000 người. Trong họp mặt kỷ niệm 20 năm chia tách địa giới hành chính huyện Bình Chánh ngày 1/12/2023, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Nam cho biết, quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện sẽ còn diễn ra nhanh, dân số của huyện sẽ luôn ở mức cao do tăng cơ học, trung bình 30.000 người mỗi năm.
Về kinh tế, đang chú ý, thu ngân sách của Bình Chánh năm 2023 đạt 2.158 tỷ đồng, đạt 103% so với dự toán. Con số này cao hơn 3 tỉnh Bắc Kạn (837 tỷ đồng), Điện Biên (1.570 tỷ đồng), Cao Bằng (2.086 tỷ đồng), ngang với tỉnh Lai Châu (2.190 tỷ đồng). Mức này đã tăng gấp 13,8 lần so với năm 2004 – năm huyện chia tách địa giới hành chính. 5 năm liên tiếp từ 2019, thu ngân Nhà nước của huyện đã đạt trên 2.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2004 - 2023, đạt khoảng 22.066 tỷ đồng, đạt 110% so với tổng dự toán được giao (20.067 tỷ đồng).
Năm 2024, Bình Chánh phải đạt mục tiêu xây dựng các tiêu chí để phấn đấu đến năm 2025 được công nhận lên thành phố trực thuộc TP HCM. Cụ thể, tại hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) của Huyện uỷ Bình Chánh tổ chức cuối tháng 12/2023, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam cho biết năm 2024, huyện đặt mục tiêu rà soát, cập nhật, bổ sung cơ sở pháp lý khi có sự thay đổi, đánh giá đúng thực trạng của huyện để xác định cấp độ đô thị phải đạt.
Đảm bảo các tiêu chí để phấn đấu đến năm 2025, Bình Chánh được công nhận lên thành phố trực thuộc TP HCM. Cùng với đó, hoàn thiện việc xây dựng đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận hoặc thành thành phố trực thuộc TP HCM giai đoạn 2021-2030.
Bình Chánh cũng được định hướng trở thành trung tâm đô thị công nghiệp của phía tây TP HCM với đầy đủ đặc tính của một đô thị công nghiệp hiện đại, huyện này đang tập trung phát triển mạnh khoa học và công nghệ; y tế và chăm sóc sức khỏe; giáo dục và đào tạo bậc cao...
Trước đó, ngày 14/12/2023, UBND huyện Bình Chánh đã có tờ trình thông qua Đề án đầu tư – xây dựng huyện Bình Chánh thành quận (hoặc thành phố trong thành phố trực thuộc TP HCM), giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, đến năm 2030, Bình Chánh trở thành "đô thị phức hợp", hướng đến việc hình thành các trung tâm dịch vụ đô thị cấp vùng TP HCM, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khoẻ, trọng tâm phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái, trong đó phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch làm nền tảng.