Đóng góp khu vực tư nhân vào nền kinh tế năm 2020 không đạt mục tiêu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, không chỉ không đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2020, mà mục tiêu đóng góp vào GDP, vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực tư nhân Việt Nam cũng không đạt.
- 19-10-2020Đà Nẵng kỳ vọng du lịch quốc tế sẽ quay lại từ quý 2 năm sau
- 19-10-2020Nhu cầu điện tiêu dùng tăng hơn 13% sau khi nền kinh tế phục hồi trong tháng 9
- 19-10-2020Chuyên gia châu Á: Cơ hội chứng minh phong cách ngoại giao riêng của tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga trong chuyến thăm chính thức Việt Nam
Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo báo cáo Nghị quyết 35/NQ-CP và Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 39/2018/NĐ-CP.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân trong giai đoạn 2016-2019 tăng xấp xỉ 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015, đạt mức tăng 14,4%. Tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên, từ 36,7% năm 2015 lên đến 46% vào năm 2019.
Tại hội nghị, Trưởng phòng Tổng hợp chính sách - Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bà Trịnh Thị Hương cho biết, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động năm 2020 đã không đạt được. Cụ thể, hiện nay tăng trưởng doanh nghiệp chỉ đạt hơn 10%. Trong khi đó, để có thể đạt được mục tiêu, tăng trưởng doanh nghiệp phải đạt trên 17%.
"Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã làm tăng cho số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa được hiệu quả", bà Hương nói thêm.
Thêm vào đó, mục tiêu khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp 48-49% GDP cũng không thực hiện được. Song, bà Trịnh Thị Hương nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng của khu vực tư nhân đã tăng lên. Do vậy, nếu duy trì tốt thì có thể đạt được mục tiêu này.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, ông Trần Anh Tuấn nêu rõ, trên địa bàn hiện nay có 440 nghìn doanh nghiệp, vẫn chưa đạt được mục tiêu 500 nghìn doanh nghiệp như kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, dù được cơ quan quản lý luôn khuyến khích, hỗ trợ, việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trên quy mô toàn quốc, đóng góp của khu vực tư nhân Việt Nam vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã liên tục tăng trong những năm qua. Vào năm 2018, tỷ lệ đóng góp này là 43,2% và đến năm 2019, con số này đạt 46%.
Ngoài ra, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ước đạt 37,48%, thấp hơn đáng kể so với năm ngoái (47,71%). Tuy nhiên, bình quân 5 năm ước đạt khoảng 43%, cao hơn mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra (30-35%).