MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đột ngột giảm gần 84 điểm chỉ sau 3 phiên, chính thức "thủng" mốc 1.200 điểm, VN-Index liệu đã bước vào giai đoạn downtrend?

Đột ngột giảm gần 84 điểm chỉ sau 3 phiên, chính thức "thủng" mốc 1.200 điểm, VN-Index liệu đã bước vào giai đoạn downtrend?

Dù không quá lạc quan, nhưng ông Huy cho rằng khả năng VN-Index giảm 15-20% rất khó xảy ra.

Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn đầy biến động với những phiên giảm điểm mạnh và dứt khoát. Sau phiên "bay màu" gần 60 điểm, áp lực chốt lời vẫn tiếp diễn khiến VN-Index chính thức thủng ngưỡng hỗ trợ 1.200 trong ngày 17/4. Như vậy, chỉ sau 3 phiên giao dịch, thị trường đã "đánh rơi" tổng cộng gần 84 điểm để lùi về 1.193 điểm - mức thấp nhất trong gần 2 tháng qua. Liên tục giảm sâu, xu hướng tiếp theo của chỉ số ra sao?

Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng thị trường đang chịu tác động mạnh từ cả diễn biến trong nước và thế giới.

Về bối cảnh thế giới, diễn biến tiêu cực về CPI của Mỹ khiến quá trình hạ lãi suất của Fed có thể trễ hơn kỳ vọng. Điều này khiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh và đồng Dollar tiếp tục tăng lên vùng đỉnh tháng 9-10 năm ngoái. Trong khi đó, xung đột địa chính trị vẫn là biến số khó lường và biến động thị trường hàng hóa cũng gây áp lực.

Trong nước cũng có nhiều yếu tố kém tích cực như lạm phát và lãi suất huy động tăng dần, đặc biệt đà tăng phi mã của tỷ giá do chịu áp lực do chênh lệch lãi suất và những diễn biến thế giới gần đây.

Ảnh chụp Màn hình 2024-04-17 lúc 21.20.24.png

Dù vậy, ông Huy cho rằng áp lực tỷ giá trong điều kiện bình thường sẽ chỉ mang đến nhịp điều chỉnh ngắn hạn chứ không thể tạo nên một thị trường giá xuống nếu không làm mất cân đối vĩ mô. Mất cân đối vĩ mô có nghĩa là khi Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) không còn khả năng can thiệp bằng dự trữ ngoại hối, các biện pháp hành chính điều tiết, hoặc phải cân nhắc khả năng tăng lãi suất.

VN-Index khó "thủng" 1.180 điểm

Động lực chính của thị trường chứng khoán năm nay được chuyên gia DSC nhìn nhận dưới ba yếu tố: (1) Môi trường lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ, (2) Sự phục hồi kinh tế trong nước và (3) Kỳ vọng nâng hạng thị trường và KRX.

Dù không quá lạc quan, nhưng ông Huy cho rằng khả năng VN-Index giảm 15-20% rất khó xảy ra. Ngưỡng quanh MA200, tương đương với mức 1.180 sẽ là hỗ trợ mạnh cho đợt giảm giá lần này. Thị trường chứng khoán chỉ có thể "thủng" ngưỡng trên khi các trụ cột tăng giá trong nước bị xâm phạm rõ ràng và thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh.

Bối cảnh thị trường thế giới không quá "sáng", nhưng khả năng sẽ tối thiểu có 1 đợt giảm lãi suất vào tháng 9 trước bầu cử của Mỹ. Tóm lại, chuyên gia cho rằng rủi ro của thị trường thế giới sẽ nhiều hơn ở giai đoạn cuối năm chứ không phải hiện tại.

vnindex_ind-16.png

Với các trụ cột trong nước như môi trường lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ, sự phục hồi kinh tế trong nước và kỳ vọng nâng hạng thị trường và KRX, hiện tại nguy cơ mới ở mức cảnh báo chứ chưa đe dọa sẽ đảo chiều mạnh chính sách tiền tệ.

Mặc dù vẫn còn một số yếu tố khác, nhưng không phải vấn đề quá đáng ngại. Thêm một yếu tố khác là khi các ngân hàng vẫn còn "game" tăng vốn và chia tách, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn cơ hội hồi phục và VN-Index khó giảm sâu.

Về chiến lược hành động, chuyên gia DSC cho rằng thị trường khi tăng thì nhìn đâu cũng tốt, khi "rơi" thì nhìn cái gì cũng xấu, quan trọng tỉnh táo nhìn nhận và hiểu mình là ai trước khi hành động. Với những người hành động theo xu hướng và muốn mọi thứ xác nhận, nghĩa là khi bối cảnh bớt xấu mới tham gia và rõ ràng hiện tại có rủi ro "bắt dao rơi". Tuy nhiên, cần xác định là khi mọi thứ sáng tỏ mặt bằng định giá sẽ cao hơn. Đối với người hành động sớm và dựa trên suy đoán, ông Huy khuyến nghị giải ngân dần quanh MA200, nghĩa là quanh 1.180 với tỷ trọng phù hợp.

Hạ Anh

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên