MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Sai phạm nghiêm trọng, trách nhiệm chưa rõ

25-09-2019 - 09:54 AM | Bất động sản

Đã 8 lần trễ tiến độ, đội vốn hơn 9.200 tỉ đồng nhưng đến nay những người liên quan vẫn chưa trả lời được khi nào tàu chạy và các cơ quan chức năng cũng chưa xử lý trách nhiệm cụ thể

Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Kiểm toán nhà nước (KTNN) gửi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã cho thấy hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Không báo cáo Thủ tướng

Theo KTNN, Bộ GTVT tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (tăng 9.231,62 tỉ đồng, tương đương 205,27%) tại Quyết định số 531/QĐ-BGTVT ngày 23-2-2016 khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh dự án đầu tư là thực hiện chưa đúng quy định tại điều 10, Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội và điều 7, điều 106 Luật Đầu tư công.

Đặc biệt, tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng 9.231,62 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư chưa chứng minh được hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh khi tăng tổng mức đầu tư. Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư năm 2017 bao gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại của hiệp định vay 250 triệu USD chưa đúng quy định; phê duyệt bổ sung vào tổng mức đầu tư chi phí xây lắp tăng thêm 21,07 triệu USD (tương đương 6% chi phí xây dựng) do một số nguyên nhân khách quan, thay đổi biện pháp thi công từ đầu dự án khi chưa có dự toán chi tiết, thiếu cơ sở pháp lý.

Về tài chính của dự án, đến ngày 30-6-2018, số vốn đầu tư vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỉ đồng do chủ đầu tư tính sai đơn giá 175 tỉ đồng, sai khác 698 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỉ đồng...

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD (tương đương 186,7 tỉ đồng) so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Theo hợp đồng EPC thời gian hoàn thành, chạy thử, bàn giao dự án vào năm 2014, sau đó được điều chỉnh kéo dài tới tháng 9-2017, trễ tiến độ 8 lần. Nhưng đến nay, công trình vẫn chưa được bàn giao cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư dự án cũng chưa làm rõ trách nhiệm của tổng thầu về những thiệt hại do việc chậm tiến độ gây ra để xử lý theo quy định.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Sai phạm nghiêm trọng, trách nhiệm chưa rõ - Ảnh 1.

Nhiều sai phạm, đội vốn kinh khủng, đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể vận hànhẢnh: NGÔ NHUNG


Phải chuyển cơ quan điều tra

Với những sai phạm nêu trên, KTNN kiến nghị Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) xử lý về tài chính hơn 874 tỉ đồng. KTNN đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt phải làm rõ trách nhiệm của tổng thầu EPC và các bên liên quan đối với những thiệt hại do việc chậm tiến độ gây ra để xử lý theo quy định. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân còn để xảy ra các sai sót; xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị tư vấn để xử lý theo quy định.

KTNN cũng đề nghị Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định đối với những sai sót, tồn tại trong việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng. "Đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của KTNN và báo cáo kết quả thực hiện về KTNN trước ngày 30-9-2019" - KTNN đề nghị.

Chiều 24-9, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhấn mạnh dự án triển khai không theo quy trình thủ tục, đội vốn quá lớn, thời gian kéo dài, sinh ra nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong nhân dân. Còn 1% hạng mục là những công việc gì mà khó khăn đến mức không chốt nổi thời hạn hoàn thành? 99% hoàn thành nhưng không bảo đảm chất lượng, an toàn thì cũng vô nghĩa.

"Kết luận của KTNN đã chỉ rất rõ những sai phạm nhưng bây giờ phải quy trách nhiệm cụ thể các cá nhân, tập thể. Tôi cho rằng căn cứ những kết luận KTNN, hoàn toàn có thể chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý" - PGS-TS Ngô Trí Long bày tỏ.

Còn bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, cũng cho rằng cần chỉ ra tập thể, cá nhân nào đã chỉ đạo và quyết định thực hiện dự án này, bởi hệ lụy của một dự án đội vốn, chây ì, trì trệ như đường sắt Cát Linh - Hà Đông là quá rõ. Cần chỉ ra đơn vị, cá nhân nào là người phê duyệt, quyết định, không có vùng cấm, không có ngoại lệ hay hạ cánh an toàn.

Không để gây mất lòng tin

Tại phiên họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng GTVT trước ngày 30-9 phải báo cáo Chính phủ về tiến độ chạy thử và vận hành; chủ động xử lý dứt điểm hoặc đề xuất cấp trên xử lý (nếu vượt thẩm quyền) với dự án. "Không để tình trạng chậm trễ tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân" - Thủ tướng yêu cầu.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

Trở lên trên