MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo mặt bằng lãi suất trong những tháng tới sẽ ổn định và chỉ biến động nhẹ

26-10-2016 - 13:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Đây là một trong những nhận định vừa được CTCK Vietcombank (VCBS) đưa ra tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong phần lớn thời gian của quý 3, mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định vài ít biến động so với cuối tháng 6. Sau đó, vào tuần cuối tháng 9, một số NHTM, đặc biệt là các NHTM Nhà nước, giảm mặt bằng lãi suất huy động khoảng 0,3%- 0,5% đối với các dưới 1 năm.

Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4,3% - 5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,3% - 6,8%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,5% - 8%/năm. Với việc lãi suất huy động, đầu vào của các ngân hàng, giảm như kể trên trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng ở mức rất dồi dào, thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp kỳ lục, một số NHTM, đặc biệt là các NHTM Nhà nước lớn, đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5% - 1%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư và khởi nghiệp.

Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức khoảng 6%/năm đối với ngắn hạn và 9-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.

Báo cáo cũng chỉ ra sự khác biệt với giai đoạn trước, yếu tố tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất trong suốt thời gian qua cũng như những tháng còn lại của năm 2016 chủ yếu đến từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế.

Cụ thể, trước tiên phải kể đến yếu tố mùa vụ khi nhu cầu tiền mặt về cuối năm và thời điểm cận Tết (đầu năm 2017) thường dâng cao và tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu đang diễn ra, trong đó phải kể đến áp lực cạnh tranh huy động giữa các ngân hàng, không chỉ để giữ thị phần mà còn cả nhu cầu đáp ứng các hệ số thanh khoản và an toàn theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn.

Ở chiều ngược lại, áp lực lên mặt bằng lại suất cũng được trung hòa và giải tỏa trong bối cảnh định hướng chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ, theo hướng hỗ trợ việc duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tỷ giá và thị trường ngoại hối kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định; thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào và dư thừa sau động thái mua ròng mạnh USD của NHNN trong suốt thời gian qua và lạm phát và kỳ vọng lạm phát trong tầm kiểm soát.

"Như vậy, chúng tôi duy trì dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong những tháng tới nhiều khả năng sẽ ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức hiện tại", báo cáo nêu nhận định.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên