Du học sinh Việt Nam ở Vũ Hán: Chúng tôi vẫn đủ lương thực, nhưng không dám ra ngoài
Các du học sinh ở lại ký túc xá được nhà trường phát cơm miễn phí đầy đủ ngày 3 bữa và được Đại sứ quán Việt Nam thường xuyên hỏi thăm, động viên.
Tính đến 24h ngày 2/2, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 17.205 ca nhiễm bệnh do virus corona mới, 2.296 ca nghiêm trọng, 261 ca tử vong. Riêng tại Vũ Hán , nơi được coi là tâm dịch, đến nay đã có 350 người tử vong.
Kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa đến nay đã gần hai tuần. Những người còn ở lại Vũ Hán, trong đó có một số du học sinh Việt Nam và thân nhân đã trải qua một cái Tết Nguyên đán lạ lùng, trong bầu không khí vắng vẻ, lo âu và căng thẳng.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là tất cả người Việt ở Vũ Hán hiện đều đang trong tình trạng sức khỏe tốt và tâm lý tương đối ổn định, dù có những lúc hoang mang khi số người Trung Quốc nhiễm bệnh tăng nhanh.
"Mong truyền thông đưa nhiều thông tin tích cực"
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Trí Thức Trẻ, Minh Đăng (tên nhật vật đã được thay đổi), Nghiên cứu sinh chuyên ngành Thương mại quốc tế, Đại học Sư phạm Hoa Trung (Vũ Hán) cho biết, thời gian này bạn thường ở trong nhà, không tiếp xúc với bên ngoài và cẩn thận vệ sinh nhà cửa bằng nước tẩy diệt khuẩn cũng như rửa tay bằng xà phòng mỗi ngày.
Đường phố ở Vũ Hán vắng bóng người qua lại do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi do virus corona. Ảnh:
"Mọi khi em vẫn ở nhà suốt vì học kỳ này em hết môn rồi, sau khi có dịch em lại hạn chế hơn và không ra ngoài nhà luôn. Các bạn ở ký túc xá hiện giờ được trường phát cơm cho ngày 3 bữa sáng- trưa-tối. Từ lúc có dịch bệnh, trường phát khẩu trang và nhiệt kế cho sinh viên để theo dõi thân nhiệt hằng ngày và có báo cáo ghi lại từ thầy cô Văn phòng quản lý sinh viên", Minh Đăng nói.
Đăng cho biết, do ở nhà thuê riêng - vẫn trong khuôn viên trường - cùng các lưu học sinh Việt Nam khác nên bạn thường tự nấu ăn.
"Mỗi lần cần mua rau củ thì em gọi chú bán hàng dưới nhà chuẩn bị thôi. Chú ấy vốn không bán hàng nhưng người dân trong khu chung cư có nhu cầu mua rau nên nhắn Wechat cho chú, chú tổng hợp lại rồi mua một lúc. Hôm sau qua nhà chú lấy là được. Ngay dưới tòa nhà nên rất tiện, mỗi lần lấy vậy đủ ăn hơn một tuần", nghiên cứu sinh Việt Nam kể.
Minh Đăng cho biết, ban đầu đã dự định không về nước ăn Tết mà ở lại hoàn thành bài luận. Đến khi dịch bùng phát thì bạn lại càng nghĩ nên ở lại, vì trong khuôn viên trường an toàn hơn.
"Em nghĩ đang ở nhà yên ổn nếu ra ngoài tiếp xúc nhiều, người lỡ nhiễm bệnh thì rất phiền. Hiện nhiều người sau khi đi đến những nơi công cộng như nhà ga, tàu điện và sân bay vô tình nhiễm bệnh mà không hay biết, đến khi virus trong người bùng phát thì những người xung quanh từng tiếp xúc với mình cũng đã nhiễm bệnh".
Đăng cũng cho biết, dù ở lại tâm dịch nhưng bản thân không quá lo lắng bởi thường ngày lưu học sinh Việt Nam ở lại Vũ Hán vẫn nhận được sự hỏi thăm từ Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc. "Các bác anh chị hỏi thăm và động viên tụi em nhiều lắm".
Đăng kể, thời gian này vì bận viết luận văn nên mỗi ngày chỉ đọc sách, viết bài và chờ thông báo mới từ nhà trường. "Hiện tại dù vẫn đang trong kỳ nghỉ đông nhưng nhà trường đã có thông báo dời ngày học lại, cũng thông báo đến sinh viên khoan về trường trong thời gian này. Lịch học cụ thể vẫn còn chờ thông báo chính thức từ phía nhà trường".
Nghiên cứu sinh Việt Nam bày tỏ mong muốn truyền thông đưa nhiều thông tin tích cực về tình hình dịch bệnh, như việc 37 bệnh nhân đã xuất viện ở Vũ Hán ngày 2/2. "Em nghĩ mọi người nên đọc những tin tích cực như vậy, để không hoảng sợ rồi truyền nhau những tin tiêu cực".
"Thực phẩm vẫn đủ, nhưng tâm lý hơi hoang mang"
Giống Minh Đăng, chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (tên nhân vật đã được thay đổi) - một lưu học sinh Việt Nam khác tại Đại học Sư phạm Hoa Trung (Vũ Hán) cho biết, chị rất hạn chế ra ngoài trong thời điểm này.
Các nhà hàng vắng khách tại Vũ Hán. Ảnh: CNN
"Do mình ở trong khuôn viên trường nên tâm lí đỡ lo hơn bên ngoài. Thực phẩm hồi Tết mua cũng còn một ít, chủ yếu là gạo. Khó khăn nằm ở vấn đề tâm lý do ở giữa vùng dịch nên hơi hoang mang khi thấy số người bệnh tăng nhanh mỗi ngày", chị Nga chia sẻ.
Chị Nga cho biết, thực ra chị không ra ngoài từ ngày 10/1, ngay trước cả khi Vũ Hán thực hiện lệnh phong tỏa vào ngày 23/1. Chị thường nhờ các bạn trong nhóm mua thực phẩm giúp. "Thực phẩm vẫn bình thường, tạp hóa vẫn bán, chợ vẫn bán".
Chị chia sẻ thêm, do dịch bệnh nên đợt Tết vừa rồi, các anh chị em còn ở lại trong trường cũng không tổ chức đón Tết chung nhưng họ nhận được sự quan tâm chia sẻ, động viên từ Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc.
"Bây giờ mỗi ngày mình đều nghe ngóng thông tin và viết luận", chị Nga nói, "Hầu như ai cũng ở trong nhà, không ai dám ra đường".
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Quân, Bí thư chi bộ đảng Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Vũ Hán cho biết: "Hiện tại số người Việt đang ở tại Vũ Hán mà Đại sứ quán Việt Nam và Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Vũ Hán cũng như chi bộ nắm được là 25 người (bao gồm cả người nhà), tất cả mọi người đều có tình trạng sức khỏe tốt".
Anh Quân cho biết thêm, hiện các lưu học sinh đều nhận được sự quan tâm tận tình từ Đại sứ quan và nhà trường. Các trường đều phát cơm miễn phí sáng, trưa, tối cho lưu học sinh.
Anh cũng cho biết, đến nay, chưa có trường hợp du học sinh nào từ Vũ Hán về quê ăn Tết có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.
Trí thức trẻ
Sự kiện: Đại dịch COVID-19
Xem tất cả >>- Nữ sinh 19 tuổi tốt nghiệp 9 khoá học trực tuyến của Ivy League trong thời gian giãn cách xã hội, gây quỹ quyên góp hơn 230 triệu chống dịch
- Nỗi lòng nữ lao công làm việc trong khu cách ly theo dõi bệnh nhân tái dương tính: Nhớ con lắm, nhưng chưa về nhà được
- Infographic: 4 khuyến nghị về phòng, chống dịch Covid-19 tại lớp học mà các bậc phụ huynh và học sinh cần biết
- Nhịp sống Hạ Lôi ngày cuối cùng cách ly: "Chúng tôi mong đến ngày hết dịch để đi làm chứ nằm ở nhà thì chết"
- Đánh dấu khoảng cách xếp hàng lấy đồ ăn, chia lớp... các trường triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm phòng chống dịch khi học sinh quay trở lại trường học vào ngày mai