MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dư nợ và vốn vàng trong hệ thống ngân hàng Việt hiện thế nào?

10-09-2019 - 07:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Tính đến hết quý II/2019, vẫn còn một số ngân hàng thương mại còn khoản dư nợ cho vay bằng vàng.

Theo báo cáo tài chính quý II/2019 của các ngân hàng thương mại, tính đến 30/6, trên địa bàn TP.HCM còn 4 ngân hàng có dư nợ cho vay bằng vàng.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) còn dư nợ cho vay bằng vàng 140 tỷ đồng quy đổi (tương đương 3.615 lượng). Trong khoản mục tài sản của ngân hàng này, tài sản dự trữ dưới dạng vàng là 382 tỷ đồng (9.864 lượng). Khoản mục tài sản có khác hiện diện dưới dạng vàng là gần 3 tỷ đồng (77,4 lượng).

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) còn dư nợ cho vay khách hàng bằng vàng quy đổi là 29,4 tỷ đồng (759 lượng). Eximbank cũng có khoản tiền mặt dưới dạng vàng là 407 tỷ đồng (10.510 lượng).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) còn dư nợ cho vay bằng vàng 418 tỷ đồng (10.871 lượng). Sacombank cũng có khoản mục tài sản bằng vàng lên tới 901 tỷ đồng (23.710 lượng). Ngoài ra, Sacombank cũng còn 39 tỷ đồng (1.014 lượng) tiền gửi của khách hàng bằng vàng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng còn dư nợ cho vay bằng vàng 7,6 tỷ đồng (196 lượng). Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đang có tài sản dự trữ bằng vàng 62,3 tỷ đồng (1.608 lượng).

Một số ngân hàng tuy không còn dư nợ cho vay bằng vàng nhưng vẫn có tài sản dự trữ bằng vàng, gồm các ngân hàng TMCP: Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nắm giữ 185,4 tỷ đồng (4.787 lượng); Phát triển TP.HCM (HDBank) là 16 tỷ đồng (413 lượng); Tiên Phong (TPBank) khoản mục tài sản dự trữ bằng vàng tới 789 tỷ đồng (20.372 lượng), đặc biệt khoản mục “Các khoản nợ khác” dưới dạng vàng là 8,5 tỷ đồng (219 lượng).

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cùng với Thông tư 11 và Thông tư 12 của Ngân hàng Nhà nước, toàn bộ hoạt động cho vay vốn bằng vàng đã chấm dứt vào 01/5/2011 và hoạt động huy động vốn bằng vàng đã chấm dứt vào ngày 25/11/2012.

Đồng thời, Nghị định 24 với nghiêm cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán và chế tài xử lý nghiêm các hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong Nghị định 95… đã khắc phục khá triệt để các bất cập của thị trường vàng.

Tính đến ngày 03/5/2013, thực hiện các chính sách trên, các TCTD đã tất toán trên 80% số dư huy động vốn bằng vàng.

Đã hơn 7 năm đã trôi qua, các ngân hàng thương mại không còn thực hiện nghiệp vụ liên quan đến vàng, tuy nhiên, các ngân hàng vẫn giữ hộ vàng cho người dân vì khi này vàng được coi là tài sản. Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, các ngân hàng trên địa bàn đang giữ hộ người dân 30.000 lượng vàng.

Mục tiêu của việc chấm dứt vai trò tiền tệ và chức năng thanh toán của vàng vì không thể trong một quốc gia có tới 3 loại tiền tệ cùng có chức năng thanh toán: VND, USD, vàng. Quan điểm của Chính phủ là trên lãnh thổ Việt Nam, đồng tiền thanh toán chủ yếu là VND.

Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước khẳng định luôn bảo đảm quyền hợp pháp của người dân trong việc dự trữ tài sản bằng vàng và có các quy định cụ thể để đảm bảo việc mua bán vàng của người dân đúng pháp luật, có lợi cho người dân và có lợi cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.

Theo Lan Anh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên