MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo quy hoạch Thủ đô: Di dời các trường đại học ra khỏi nội đô có khả thi?

Chuyên gia cho rằng, việc di rời các trường đại học ra khỏi nội đô không có nghĩa là sẽ loại bỏ các trường đại học ở trung tâm, mà tiếp tục giữ lại những cơ sở cũ làm nơi đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi tạo. Trong khi đó, khu vực học tập chung của sinh viên sẽ được chuyển lên cơ sở thứ 2.

Dự thảo Quy hoạch Thủ đô đề ra định hướng quy hoạch giáo dục đào tạo trong đó có nội dung: "Giãn sự tập trung người học của sinh viên các trường đại học bằng việc quy hoạch khu vực xây dựng cơ sở 2 cho các trường trong nội đô ra khu vực Thành phố Khoa học và Giáo dục - Đào tạo tại Hòa Lạc. Cơ sở ở trung tâm chủ yếu dùng vào các chức năng nghiên cứu, đào tạo bậc cao hoặc hình thành các trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ”.

Trao đổi với VOV.VN về nội dung này, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc tập trung quá nhiều sinh viên trong khu vực nội đô gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó có cả yêu cầu về đảm bảo chất lượng đào tạo cũng chưa được đáp ứng, do đó việc di rời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô là cần thiết.

Dự thảo quy hoạch Thủ đô: Di dời các trường đại học ra khỏi nội đô có khả thi? - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng việc di rời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô là cần thiết song cần tính kỹ đến vấn đề kết nối giao thông

“Chúng tôi mong muốn Hòa Lạc sẽ là một khu vực về đại học và khoa học công nghệ. Để làm được điều này, cần tạo ra hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện giữa Hòa Lạc và trung tâm thủ đô Hà Nội. Nhưng việc di rời cũng không có nghĩa là sẽ loại bỏ các trường đại học ở trung tâm, mà tiếp tục giữ lại những cơ sở cũ làm nơi đào tạo chất lượng cao, nơi nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi tạo. Trong khi đó khu vực học tập chung của sinh viên sẽ được chuyển lên cơ sở thứ 2. Như vậy vấn sẽ đảm bảo được sự kết nối giữa khu vực mới và khu vực cũ mang tính lịch sử, truyền thống của các trường”.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, Dự thảo Quy hoạch Thủ đô cũng dự báo quy mô sinh viên dự kiến cho năm 2025 có 800.000 sinh viên, đến năm 2030 có 1.100.000 sinh viên. Đề xuất quy hoạch cơ sở 2 của các trường đại học tại Khu đô thị khoa học công nghệ Hòa Lạc và văn hóa nghệ thuật Sơn Tây để giãn mật độ người học và tạo không gian nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ.

“Dự báo quy mô sinh viên đại học đến năm 2030 ở Thủ đô Hà Nội là 1,1 triệu sinh viên. Sự gia tăng quy mô này dường như nhanh hơn so với dự báo tốc độ gia tăng dân số. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2020, tại Hà Nội có tổng số 628.981 sinh viên. Trong khi đó, dự báo phát triển dân số tại Hà Nội đến năm 2030 là 11 triệu dân. So với quy mô dân số năm 2020 tại Hà Nội là 8,247 triệu người thì đến năm 2030, tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội đạt khoảng 33%.

Như vậy, khi so với mức độ phát triển số lượng sinh viên từ khoảng 600.000 sinh viên năm 2020 lên 1,1 triệu sinh viên năm 2030, tốc độ gia tăng sinh viên đạt mức gần 75%. Do dó, chỉ tiêu dự báo về quy mô sinh viên cần được cân nhắc lại”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền nói.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chủ trương giãn không gian và quy hoạch các trường đại học theo khu vực và gắn với các trục phát triển và thành phố vệ tinh là hợp lý. Tuy nhiên, cần cân nhắc lại tính pháp lý của việc xây dựng “cơ sở 2” của một trường đại học. Bởi khác với phân hiệu trường đại học, “cơ sở 2” lại có tư cách pháp nhân. Do đó, khoảng cách địa lý giữa các cơ sở của một trường đại học cũng là điều cần lưu ý trong quy hoạch vùng Thủ đô.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền cũng lưu ý rằng, kết quả cuối cùng của giáo dục và đào tạo là con người Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, là “con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; tư duy sáng tạo và chia sẻ”, là nguồn lực quan trọng bậc nhất của Thủ đô và đất nước. Vì vậy, định hướng quy hoạch giáo dục của Thủ đô cũng cần lưu ý đến việc cụ thể hóa tính chất của “một nền giáo dục chất lượng, tiên tiến và hiện đại theo chuẩn quốc tế, đủ năng lực trang bị những kiến thức, kỹ năng công dân của Thành phố kết nối toàn cầu”.

Một trong những vấn đề nhức nhối mà Hà Nội đang gặp phải hiện nay là áp lực trường lớp, quá tải trường lớp do tăng dân số cơ học nhanh chóng. PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trong quy hoạch Thủ đô lần này sẽ đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng các yếu tố hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về đời sống, văn hóa, giáo dục y tế. Như vậy khi hình thành một đô thị, phải có các tiêu chuẩn về trường lớp, dịch vụ xã hội đảm bảo đi kèm. Tại nhiều mô hình đô thị trên thế giới, người dân không phải đi quá 15 phút đã có thể tiếp cận được các dịch vụ xã hội. "Như vậy không thể nói một mô hình quy hoạch hiện đại nào mà người dân không có chỗ để học tập".

Theo Nguyễn Trang

vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên