“Đưa cán cân thương mại về trạng thái xuất siêu là mục tiêu rất thách thức”
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở khu vực phía Nam, việc duy trì trạng thái xuất siêu trong năm nay là một mục tiêu rất thách thức.
- 01-09-2021Một tổ chức quốc tế 3 lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Từ 7,8% xuống 6,7%; 6,5% và hiện là 4,7%
- 01-09-2021PMI tháng 8 giảm mạnh nhất trong 16 tháng, còn 40,2 điểm
- 31-08-2021Thủ tướng bất ngờ đi kiểm tra ổ dịch lớn nhất Hà Nội phát hiện Sở chỉ huy không người trực, phường Thanh Xuân Trung chưa có Bí thư
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8/2021 ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD.
Đây là tháng thứ 5 liên tiếp Việt Nam nhập siêu và là tháng thứ 6 trong vòng 8 tháng qua ghi nhận cán cân thương mại thâm hụt. Kết thúc 8 tháng đầu năm, Việt Nam cũng ghi nhận mức nhập siêu cao kỷ lục tới 3,71 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu tới 13,69 tỷ USD.
Cán cân thương mại của Việt Nam giai đoạn 2020-2021
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng nhập siêu cao kỷ lục và đây liệu có phải là tín hiệu tiêu cực của nền kinh tế?
Trao đổi với BizLIVE, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 212,55 tỷ USD và nhập khẩu đạt 216,26 tỷ USD. Con số này cho thấy cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu đều đang tăng rất mạnh, tuy nhiên cán cân thương mại đang thâm hụt 3,71 tỷ USD.
95% KIM NGẠCH NHẬP KHẨU LÀ NHÓM HÀNG PHỤC VỤ SẢN XUẤT
Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2021
Theo ông Hải, nhìn vào cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, trong số hơn 216 tỷ USD mà Việt Nam nhập khẩu trong 8 tháng qua, chỉ riêng nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng đã chiếm 96,6 tỷ USD, nhóm hàng nhiên, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất đạt 107 tỷ USD.
Như vậy, nhóm hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 12 tỷ USD trên tổng kim ngạch nhập khẩu, tương đương hơn 5%. Tỷ trọng như vậy là rất thấp so với 95% kim ngạch nhập khẩu là các nhóm hàng phục vụ cho sản xuất.
Như vậy cho thấy, cán cân thương mại thâm hụt cũng không hẳn là tín hiệu quá tiêu cực bởi chủ yếu các mặt hàng nhập khẩu là nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất. Tình hình nhập khẩu các mặt hàng này thì trong thời gian vừa qua vẫn nằm trong mức độ kiểm soát.
Tuy nhiên, thực tế có tình trạng tăng giá các mặt hàng sắt thép hay phân bón ở thị trường trong nước và điều đó nó cũng có phần nào phản ánh từ biến động giá cả ở ngay thị trường quốc tế.
Chính vì vậy, cần phải theo dõi kỹ hơn và kể cả điều phối một cách hài hòa giữa các hoạt động nhập khẩu, hoạt động sản xuất trong nước và hoạt động xuất khẩu để làm sao tránh những biến động giá quá bất thường gây ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất, ông Hải nhấn mạnh.
GIÃN CÁCH XÃ HỘI ẢNH HƯỞNG TỚI TỐC ĐỘ XUẤT KHẨU
Ông Hải cũng cho biết, bên cạnh việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng nhiên, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, việc tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chậm lại cũng là nguyên nhân khiến cán cân thương mại đổi chiều so với năm 2020.
Về xuất khẩu, trong quý 3/2021, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Chỉ tính riêng các tỉnh này đã chiếm tới 45% tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá, chưa kể các địa phương khác trọng điểm khác đang giãn cách xã hội như Hà Nội hay Đà Nẵng.
"Trong giai đoạn giãn cách xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp bị đình trệ rất lớn gây ảnh hưởng tới tốc độ xuất khẩu"
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu
"Chúng ta đang tập trung vào hoạt động chống dịch COVID-19 để bảo đảm sức khoẻ của người dân thì hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu sẽ bị giảm tốc. Vì vậy sẽ dẫn đến tình trạng nhập siêu như hiện nay", ông Hải cho hay.
Đặc biệt, với tốc độ lây lan của biến chủng Delta cũng như diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở khu vực phía Nam hiện nay, chắc chắn rằng, việc duy trì khả năng xuất siêu của Việt Nam trong năm nay là một mục tiêu rất thách thức, ông Hải nhìn nhận.
Điều này cũng xuất phát từ hoàn cảnh khách quan khi yếu tố dịch bệnh có những khác biệt so với năm 2020.
"Hy vọng rằng, dịch bệnh sẽ sớm được khống chế và chúng ta trở lại trạng thái bình thường mới thì khả năng phục hồi sẽ nhanh hơn", ông Hải cho hay.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện, Bộ Công Thương một mặt cũng cùng với các bộ ngành như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông hàng hoá, nguyên nhiên vật liệu giữa các địa phương, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vẫn còn đang duy trì được sản xuất 3 tại chỗ.
Mặt khác, việc chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng cũng rất quan trọng, Bộ Công Thương cũng đang có những chính sách động viên doanh nghiệp vừa chuẩn bị kế hoạch sản xuất, vừa giữ chân lao động để có thể nhanh chóng trở lại và tham gia vào hoạt động sản xuất, ông Hải cho hay.
Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Với mức xuất siêu cao kỷ lục 19,1 tỷ USD của năm 2020, Việt Nam ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại.
Đầu năm 2021, ngành công thương đã đặt ra mục tiêu về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8% và tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với năm 2020, trong đó cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5%.
Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4 tới nay với diễn biến ngày càng phức tạp, đã có nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng tới các chỉ tiêu kinh tế đặt ra từ đầu năm cho cả năm 2021, trong đó có cán cân thương mại.
BizLive