Đưa mẹ 85 tuổi vào viện dưỡng lão, người đàn ông hứng chịu mọi điều tiếng từ hàng xóm khiến gia đình sống khốn khổ: "Nhưng tôi không hối hận"
Phải chăm sóc bố mẹ già đến kiệt sức khi chính bản thân cũng quá tuổi trung niên đang là gánh nặng của những người con lớn tuổi. Thế nhưng, họ cũng không dám đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão vì e ngại sự đàm tiếu từ những người xung quanh.
- 02-10-2024Ông già U70 có 3 con nhưng không ai nhận nuôi bố: Chẳng muốn vào viện dưỡng lão, đành phải làm cách này
- 23-09-2024Ở 1 năm trong viện dưỡng lão, U75 nhận ra: Chẳng phải con cái, đây mới là nơi “trú ẩn” cuối đời
- 20-09-2024Em dâu muốn gửi mẹ vào viện dưỡng lão để chăm sóc cháu ngoại, tôi tức giận quát một câu khiến em tái mặt, vội vàng xin lỗi
Nhiều hàng xóm và họ hàng gọi ông Li Xiangkai là "bất hiếu" vì đã gửi người mẹ 85 tuổi của mình vào viện dưỡng lão, nhưng ông không hề hối hận.
"Ở đó, người già sẽ có nhiều thứ để làm", ông nói và dẫn chứng các hoạt động hát, múa và làm sản phẩm thủ công của mẹ ông ở viện dưỡng lão. Trước đây, chị em Li từng gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc mẹ khi bà bị gãy xương.
Năm ngoái, bà đã đồng ý với đề xuất của họ rằng bà nên sống trong viện dưỡng lão, nơi có thể cung cấp đầy đủ các loại dịch vụ chăm sóc chuyên khoa mà các con không thể đáp ứng.
"Việc chăm mẹ mỗi ngày không có nghĩa là hiếu thảo", Li nói. "Quan trọng, chúng tôi muốn tạo cho bà môi trường tốt để sống hạnh phúc. Đây mới là lòng hiếu thảo thực sự".
Mẹ Li là một trong số ít khách hàng của ngành dịch vụ chăm sóc người già ở Trung Quốc, hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên được đào tạo và các lựa chọn chăm sóc có giá cả phải chăng.
Các cơ sở tư nhân gần nơi mẹ Li sống rất đắt đỏ trong khi viện dưỡng lão công chi phí thấp hơn nhưng phải chờ nhiều tháng để đăng ký. Chẳng hạn, viện dưỡng lão Bắc Kinh có 1.100 giường và 10.000 người đang chờ.
Ở vùng nông thôn, tình hình còn tệ hơn. Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, chỉ có 1,7 triệu giường cho hơn 100 triệu người cao tuổi ở nông thôn.
Với mối bận tâm của người dân về khả năng chi trả và chất lượng chăm sóc người cao tuổi, cùng với các quan niệm truyền thống về lòng hiếu thảo, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết con cái trưởng thành ở Trung Quốc vẫn khăng khăng muốn tự mình chăm sóc cha mẹ mặc dù sức khỏe của họ bị ảnh hưởng.
Nhưng khi các hộ gia đình nhỏ hơn - hậu quả của chính sách một con của Trung Quốc - phải vật lộn để chăm sóc người già trong bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại, đất nước này đang chạy đua để giảm bớt gánh nặng cho họ và đảm bảo các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản cho tất cả mọi người.
Được biết, người trên 60 tuổi đã lên đến 297 triệu vào cuối năm ngoái, chiếm hơn 1/5 dân số. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 402 triệu vào năm 2040. Trong đó, 90% người cao tuổi được gia đình chăm sóc, 7% được chăm sóc từ cộng đồng và 3% sống trong viện dưỡng lão, theo Ủy ban Y tế Quốc gia.
Các con số trên mô tả mô hình "9073" mà các chuyên gia đánh giá sẽ không bền vững. Chính sách một con áp dụng từ năm 1980 đến năm 2015 đã khiến những đứa con tăng gấp đôi gánh nặng, chăm sóc không chỉ hai bên phụ huynh mà còn bốn ông bà.
Zhao Lita, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết điều này gây "áp lực đáng kể" lên lực lượng lao động đang giảm sút, những người phải kiêm luôn vai trò là người nộp thuế và chăm sóc người lớn tuổi.
"Đây là lý do tại sao chúng ta cần chuyển giao trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi (toàn thời gian) cho xã hội", Wu Yushao, chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi xã hội và Dịch vụ Người cao tuổi Trung Quốc, cho biết.
"Với những gia đình chỉ có một con, họ không thể đi theo lối mòn truyền thống đó là con cái buộc phải chăm sóc cha mẹ."
Trước đó, viện dưỡng lão được xem là lựa chọn cuối cùng cho người già không có con, không có khả năng sống độc lập hoặc như là nơi tập trung của người có con cái không hiếu thảo.
Nghiên cứu năm 2020 của Đại học Y khoa Harbin cho thấy người cao tuổi Trung Quốc có con cái ít có khả năng sống trong các cơ sở chăm sóc hơn 7 lần so với những người không có con.
Thành kiến đối với viện dưỡng lão nặng đến mức khi chính quyền Thượng Hải công bố kế hoạch xây dựng 200 viện dưỡng lão vào năm 2020, người dân đã phản đối, lo ngại ảnh hưởng giá bất động sản hoặc mang lại xui xẻo.
"Nhiều người vẫn coi viện dưỡng lão là nơi mà người ta chờ chết", Feng Sheng, chủ tịch tập đoàn dịch vụ chăm sóc người cao tuổi Changyou, nói.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhân viên ở viện dưỡng lão vẫn là sự lo lắng lớn với các gia đình. Do đó, người già ở nông thôn phải tự chăm sóc bản thân bởi con cái đã di cư.
Tuy nhiên, tình hình đã khác. Người trẻ Trung Quốc đang sẵn sàng vào viện dưỡng lão hơn.
Huang Tian Hui, một người độc thân và là chủ quán bar ở Thượng Hải, dự định sẽ làm như vậy khi ông quá già để tự chăm sóc bản thân.
Người đàn ông 62 tuổi này cho biết, một số người bạn của ông thậm chí còn gợi ý nên đến ở chung một nhà để họ có thể "già đi cùng nhau", và ông gọi đó là một ý tưởng "khá hay".
Tương tự, Li chia sẻ rằng anh và vợ đã thảo luận về khả năng sống trong một cơ sở chăm sóc tốt khi họ về già để họ "không gây rắc rối" cho con cái mình.
Để làm được điều này đồng nghĩa họ phải chuẩn bị tài chính. Viện dưỡng lão Changyou nằm ngoài tầm với của hầu hết các hộ gia đình Trung Quốc. Giá ở cơ sở công cộng là 140-420 USD mỗi tháng nhưng ở Changyou là 620 USD cho phòng chung hai giường và 1.830 USD phòng riêng.
Ở các đô thị lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, chi phí sinh hoạt trong một viện dưỡng lão tư nhân có thể lên đến 2.600 USD mỗi tháng với yêu cầu ký hợp đồng ít nhất một năm.
Ngoài chi phí chăm sóc người cao tuổi, ngành dịch vụ này còn gặp khó khăn trong việc thu hút nhân viên. Theo Trung tâm nghiên cứu về Lão hóa Trung Quốc, hiện có khoảng 500.000 nhân viên chăm sóc ở khắp cả nước nhưng trên thực tế, họ cần ít nhất 6 triệu người. Người trẻ làm công việc này thường nản chí bởi công việc vất vả và thành kiến xã hội.
Bài toán chăm sóc người già trở nên cấp thiết hơn với 300 triệu người 50-60 tuổi sẽ rời khỏi lực lượng lao động trong thập kỷ tới. Chính phủ Trung Quốc đã nâng tuổi hưu và yêu cầu thiết lập các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản trước năm 2025. Dịch vụ bao gồm việc thăm nom, chăm sóc cho người già sống một mình, khó khăn về tài chính.
Trung Quốc dự kiến sẽ chi 2,84 nghìn tỷ nhân dân tệ cho việc chăm sóc người cao tuổi vào năm 2035 - gần gấp đôi số tiền năm 2020 - bao gồm việc mở rộng các cơ sở hưu trí, tuyển thêm nhân viên và khai thác công nghệ để giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Trong khi đó, những người thuộc thế hệ trước như Xia Hui, 60 tuổi, vẫn đang nặng gánh gia đình. Bà đã nghỉ việc kinh doanh nhỏ của mình vào tháng 2 năm ngoái và chuyển về Thượng Hải để chăm sóc họ, trong khi chồng bà vẫn ở Bắc Kinh với tư cách là trụ cột gia đình duy nhất.
Với người mẹ 88 tuổi đau yếu, Xia hầu như không thể gặp bạn bè hoặc tham gia các hoạt động giải trí để nạp lại năng lượng.
"Mới chỉ hai ngày trước, bạn bè tôi rủ tôi đi ăn, nhưng tôi nói rằng tôi không có thời gian," cô chia sẻ. "Tôi thực sự không có thời gian."
Cô cũng phải chịu đựng những thay đổi tâm trạng và những lời khiển trách liên tục của người cha 90 tuổi của mình vì những điều nhỏ nhặt nhất. Ông vẫn coi cô như một "đứa trẻ 10 tuổi", cô nói.
Khi sự thất vọng dâng trào, cô dùng đến một chiến thuật hù dọa bất hủ "để xem phản ứng của ông ấy". "Tôi sẽ nói, con sẽ gửi bố đến viện dưỡng lão. Sau đó, bố tôi sẽ tỏ ra buồn bã".
Đôi khi ý nghĩ đó thực sự đã thoáng qua trong đầu cô. Nhưng cô vẫn cảm thấy ngần ngại khi giao phó việc chăm sóc cha mẹ mình cho người khác vì lo sợ họ sẽ buồn.
Xia đút thức ăn cho mẹ rồi đưa bố vào phòng ngủ trưa. Cô làm những điều này bởi lòng hiếu thảo.
"Bố mẹ đã nuôi dạy tôi khôn lớn nên tôi vẫn muốn bên cạnh họ", bà nói.
Theo CNA
Thanh niên Việt