MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đua nhau rao bán nhà phố mặt tiền trung tâm

06-04-2020 - 08:18 AM | Bất động sản

Bên cạnh việc giảm giá sâu cho các hộ kinh doanh, nhiều chủ nhà mặt phố khu trung tâm đã đăng tin rao bán tài sản, trong đó nhiều chủ nhà kèm dòng chữ “giá bán mùa Covid-19 có thương lượng”.

Tính đến đầu tháng 3/2020, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều khách thuê kinh doanh nhà hàng phải quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng. Trong khi đó, một số vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh để giữ vị trí tốt hoặc thương thảo với chủ nhà để giảm giá thuê. Nguyên nhân hàng loạt mặt bằng kinh doanh ở nhiều khu phố trung tâm khó tìm khách thuê là do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Thêm vào đó là thời hạn hợp đồng thuê dài có thể lên đến 10 năm tại các khu vực ngoài quận 1 cũng là yếu tố làm nhiều khách có nhu cầu thuê từ bỏ mặt bằng.

Đến thời điểm này, khá nhiều nhà phố trung tâm thay vì đăng tin thuê đã rao bán, sang nhượng. Nhiều căn nhà rao bán hiện vẫn trong tình trạng đang cho thuê.

Theo ghi nhận tại các sàn giao dịch nhà đất cũng như các group đăng tin bán BĐS, hàng loạt nhà phố mặt tiền trung tâm Tp.HCM được rao bán giữa mùa dịch Covid-19. Trong đó, hầu hết đều đăng kèm thông tin giá thương lượng mùa dịch.

Các thông tin như “bán gấp căn góc 2 mặt tiền tại Trần Hưng Đạo, Q.5, hiện đang HĐ thuê The Coffee House giá 55 tỉ”, “Cần bán ra nhanh 2 căn mặt tiền Mai Thị Lựu, Q.1, đang cho thuê 30 triệu đồng/tháng….giá 27 tỉ”, hay “Bán nhà mặt tiền đường phường Bến Thành, Q,1 giá 86 tỉ, giá này quá bèo nhèo cho mùa dịch Covid-19…; “Bán nhà 2 mặt tiền hẻm Bùi Viện, Q.1, giá 8,7 tỉ, hiện nợ bank 5 tỉ, đang hợp tác cho thuê 60 triệu đồng/tháng, tạm ngưng hết tháng 4/2020 vì dịch Covid-19”…. xuất hiện nhan nhản trên các kênh rao bán/cho thuê cũng như các group mua bán BĐS ở thời điểm này.

Liên hệ theo số điện thoại rao bán, nhận thấy, đa số những chủ nhà rao bán đều đang cần tiền gấp, hoặc do vay ngân hàng để đầu tư nhà phố cho thuê, tiền lãi hàng tháng vẫn phải trả nhưng tiền thu về thì không bù lại tiền lãi do dịch Covid-19. Khi được hỏi, sao không để dịch qua để khai thác cho thuê tiếp thì một chủ nhà cho rằng, trước bối cảnh này bán ra để bảo tồn dòng vốn.

Anh Ng, chủ căn nhà mặt tiền đường Mai Thị Lựu, Q.1 mua lại căn nhà hơn 80m2 với giá 23 tỉ đồng vào cuối năm 2018 (âm lịch). Giữa năm 2019 anh bỏ ra 3 tỉ để tu sửa và chào thuê với giá 30 triệu đồng/tháng tại tầng trệt. Hiện do dịch bệnh khách thuê trả mặt bằng, rao thuê vài lần không có khách, anh Ng quyết định rao bán tài sản với giá 27 tỉ đồng. Trong khi bản thân anh còn nợ ngân hàng gần 4 tỉ.

Tìm hiểu được biết, những chủ nhà rao bán tài sản ở thời điểm này đều không đủ sức cầm cự qua khó khăn. Trong khi rao thuê cũng không được, mà bán thì cũng là sự lựa chọn “bất đắc dĩ”. Anh Ng chia sẻ, thực ra nếu không vay ngân hàng đầu tư vào căn nhà phố này thì có thể anh sẽ không rao bán tài sản mà đợi dịch đi qua để cho thuê tiếp. Nhưng với tình hình này, khi dịch còn diễn biến phức tạp, khách thuê chưa rõ khi nào sẽ quay lại, trong khi trước đó đã giảm giá thuê khoảng 30% nhưng cũng không giữ được khách, cho nên anh quyết định bán để bảo tồn dòng vốn. Đợi thời cơ tính tiếp.

Theo ghi nhận, dù bán tài sản giữa mùa dịch nhưng việc giảm giá sâu chưa xuất hiện rõ nét. Đa số các chủ nhà rao bán đều để giá “thương lượng” hoặc kèm dòng chữ “giá bán mùa dịch Covid-19 có thương lượng”. Theo các chủ nhà này, có chăng là trong mùa dịch thì giá thu về sẽ cân nhắc hợp lý chứ không thể giảm giá được.

Trước đó, vào khoảng tháng 2/2020, trong buổi họp báo đại diện Savills Việt Nam nhấn mạnh, với những CĐT tiềm lực tài chính yếu, sẽ khó vượt qua dịch Covid-19, việc bán tài sản đã nằm trong kế hoạch của họ, đó là điều bắt buộc. Còn những NĐT vững tài chính vẫn cố gắng giữ tài sản, chờ dịch đi qua.

Đại diện này cũng nhấn mạnh, đây cũng là giai đoạn các NĐT khác có cơ hội lựa chọn tài sản đa dạng với giá hợp lý khi quyết định mua lại tài sản của những NĐT đang bán ra.

Đua nhau rao bán nhà phố mặt tiền trung tâm - Ảnh 1.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên