MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Môi giới bất động sản thời Covid-19: Thất nghiệp, chuyển nghề hàng loạt

05-04-2020 - 09:11 AM | Bất động sản

Có lẽ đây là thời điểm mà môi giới BĐS, bao gồm cả môi giới tự do và môi giới doanh nghiệp đều khó lòng trụ nỗi khi mà vừa thiếu nguồn hàng để bán, vừa không có được sự quan tâm từ phía khách hàng. Dù không phải tất cả nhưng đa số các môi giới BĐS hiện nay đều rơi vào tình trạng “thất nghiệp”.

Nguyễn Vũ N, một môi giới BĐS cho một doanh nghiệp BĐS bán căn hộ tại Tp.HCM chia sẻ: Dịch Covid-19 ảnh hưởng cực kì lớn đến giao dịch, đã hơn tháng nay hẹn khách nhưng không khách nào đi xem, hẹn đến nhà khách để tư vấn lại càng khó. Hiện tại môi giới này cho biết, đội nhóm môi giới đã “ra đi hơn một nửa”, số còn ở lại thì trong trạng thái “cầm chừng” để chờ dịch qua. Nhưng nếu dịch còn kéo dài thì có lẽ khó cầm cự được.

Theo ghi nhận, tình hình chung là khá nhiều môi giới đã không trụ nỗi trên thị trường BĐS từ thời điểm trước Tết nguyên đán do không có nguồn cung để bán ra. Khá nhiều môi giới của doanh nghiệp đã “nghỉ Tết dài hạn” do doanh nghiệp gặp khó khăn. Khó khăn nguồn cung sản phẩm chưa qua thì dịch Covid-19 xuất hiện lại giáng thêm đòn đau vào nghề môi giới BĐS.

Những môi giới còn trụ lại trên thị trường thì bắt đầu “gồng mình” để bán hàng trong mùa dịch. Dù đã dùng đến các hình thức như sử dụng công nghệ để bán hàng online, hỗ trợ khách khách hàng xem sản phẩm trực tuyến, chiết khấu “mạnh tay” hơn…nhưng có lẽ chưa khả quan là mấy khi mà cả khách mua ở thực lẫn NĐT đang trong tâm lý lo ngại về dịch bệnh.

Theo ghi nhận, trong suốt thời gian sau Tết đã có khá nhiều môi giới thất nghiệp, xin việc khác để đối phó với những khó khăn trước mắt. Một trưởng phòng nhân sự một công ty phân phối ôtô lớn ở Tp.HCM chia sẻ trên báo chí mới đây, 2 tháng qua đã tuyển 50 nhân viên kinh doanh cho chi nhánh mới, thông thường, ứng viên nộp đơn đa phần chuyển từ các hãng xe khác qua, hoặc là sinh viên mới ra trường tốt nghiệp ngành kinh tế. Nhưng trong đợt tuyển dụng này, có đến 70% ứng viên từ các công ty BĐS. Đa số họ là những người đã không còn trụ nổi với thị trường BĐS khi mà nguồn cung khan hiếm, dịch bệnh hành hoành.

Môi giới bất động sản thời Covid-19: Thất nghiệp, chuyển nghề hàng loạt - Ảnh 1.

Việc môi giới không có việc làm, chuyển sang nghề khác có lẽ không còn quá mới mẻ trước bối cảnh thị trường hiện nay. Khi mà thị trường BĐS đang trầm lắng chưa từng có trong 4 năm trở lại đây. Rất nhiều môi giới đã chuyển sang chạy grab, bán hải sản hoặc kinh doanh các món đặc sản quê nhà qua mạng tại các đô thị…

Trước đó, đã có dấu hiệu một số sàn môi giới BĐS nhỏ, thường là các sàn F2, số nhân viên sale từ sau Tết tới nay cũng rơi rụng dần vì số dự án mở bán thì ít, sức mua giảm khiến giao dịch giảm, thu nhập không ổn định…Trong đó, nhiều công ty môi giới bất động sản vì khó khăn mà không trả lương cho nhân viên, mối quan hệ công việc giữa công ty và nhân viên sale không bền chặt, không làm ăn được khiến môi giới rời đi. Còn hiện tại, do dịch bệnh nên các sàn đều gặp khó khăn, nên 1 phần môi giới nghỉ, phần còn lại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp tiếp tục công việc. Với những môi giới phải nghỉ do khó khăn, theo các sàn vẫn giữ mối quan hệ với họ để làm ăn khi có cơ hội.

Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, 100% các sàn giao dịch, cá nhân môi giới BĐS chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh; vừa thiếu nguồn hàng để bán, vừa không có được sự quan tâm từ khách hàng, nhà đầu tư vì phải lo chống dịch. Theo ghi nhận từ các khu vực, khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp.

Bên cạnh phân khúc BĐS nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề thì đất nền và chung cư cũng "án binh bất động" trong mùa dịch, vừa không đủ nguồn cung, vừa không nhận được sự quan tâm nhiều từ khách hàng do dịch bệnh. Theo báo cáo của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm Tp.HCM chỉ có 5.497 sản phẩm ở các phân khúc được chào bán, trong đó, tổng số căn hộ và nhà đất là 5.162 sản phẩm.

Môi giới bất động sản thời Covid-19: Thất nghiệp, chuyển nghề hàng loạt - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam thừa nhận, thị trường BĐS gặp khó khăn từ khoảng giữa năm 2018 do chính sách kiểm soát chặt dòng tiền. Đến cuối năm 2019, thị trường biểu hiện khó khăn rõ rệt hơn vì dòng vốn vào ít, không có nhiều dự án mới, các chủ đầu tư gặp khó khăn nhiều, nên ngành môi giới BĐS cũng lao đao.

Sang đầu năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến thị trường BĐS hầu như “đóng băng”, số nhân sự môi giới BĐS phải bỏ nghề không hề ít.

“Trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới thì có tới 1/3 sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Đây là những sàn vẫn còn hàng để bán do vẫn còn hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư. Đây là thời điểm mà thị trường thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây", ông Đính từng chia sẻ trước đó.

Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS đang “khó chồng khó”, vì thế rất cần có cơ chế hỗ trợ để không gây nhiều tác động xấu đến nền kinh tế. Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cũng cho biết đang ghi nhận những khó khăn chung của thị trường BĐS, trong đó có việc hàng loạt môi giới bất động sản chuyển nghề, để báo cáo lãnh đạo.

Môi giới bất động sản thời Covid-19: Thất nghiệp, chuyển nghề hàng loạt - Ảnh 3.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên