MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đừng coi ngân hàng và Chính phủ là một phe rồi... đấu tranh đòi giảm lãi suất"

23-06-2017 - 08:48 AM | Tài chính - ngân hàng

"Doanh nghiệp đánh đồng ngân hàng với Chính phủ là một phe, đấu tranh đòi ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ vốn cho phát triển. Không được, chính ngân hàng cũng là một doanh nghiệp đang hoạt động bình đẳng".

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
51 bài viết

Doanh nghiệp vẫn muốn: "Xin Thủ tướng!"

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phát biểu tại "Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 được tổ chức hôm 22/6. Theo vị chuyên gia, để doanh nghiệp phát triển không phải chỉ nhà nước, Chính phủ tham gia thúc đẩy tạo điều kiện, tiên quyết là chính bản thân các doanh nghiệp nói gì về câu chuyện phát triển của họ.

Vị chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam mãi mãi khó lớn lên được khi trong chính tư duy còn gặp vấn đề. Ví dụ như trong cuộc gặp với Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp hết xin cái nọ cái kia. Khi nào còn xin sẽ còn được cho, còn tư duy ban phát của các cấp quản lý.

"Doanh nghiệp đánh đồng ngân hàng với Chính phủ là một phe, đấu tranh đòi ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ vốn cho phát triển. Không được, chính ngân hàng cũng là một doanh nghiệp đang hoạt động bình đẳng", TS Vũ Đình Ánh đưa ra thêm ví dụ. Vị TS cho rằng các doanh nghiệp cần hiểu rõ về kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh thay vì tâm lý xin - cho.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng không nên áp dụng quá nhiều những ưu đãi cho các doanh nghiệp, đặc biệt khi tỷ lệ ưu đãi cho các DN vừa và nhỏ lên tới gần 98% số doanh nghiệp hiện tại. Với mỗi nhóm doanh nghiệp dựa vào quy mô, Chính phủ có chính sách, có cách ứng xử khác nhau giúp họ phát triển.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã đưa ra ba trụ cột về cải cách môi trường kinh doanh trong đó có Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của các vị chuyên gia, việc cải thiện môi trường kinh doanh chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.

Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho rằng cải cách của Việt Nam còn thiếu cưỡng bức. TS Hiếu lý giải, các nghị quyết về môi trường kinh doanh mới chỉ dừng ở bước thúc đẩy, khuyến khích các cơ quan bộ ngành tháo gỡ vướng mắc về chính sách, thủ tục cho doanh nghiệp, tuy nhiên, chưa có một chế tài đủ mạnh buộc thực hiện.

"Không có cuộc cải cách nào không cưỡng bức mà thành công cả. Ở một số nước còn có các cơ quan cao cấp "chặt chém" các quy định vô lý, như ở Úc là ủy ban về năng suất. Ở Việt Nam vẫn là các Bộ ngành tự làm, tự bãi bỏ. Điều này rất khó. Cơ quan giám sát như CIEM ngoài việc thuyết phục có khi dùng đến cả... năn nỉ nhưng chưa chắc đạt kết quả", ông Hiếu chia sẻ.

Đồng tính với ý kiến của TS Phan Đức Hiếu, TS Vũ Đình Ánh cho rằng chính tư duy xin - cho của doanh nghiệp ảnh hưởng đến việc không thể mạnh tay "chặt - chém" các quy định cản trở phát triển được vì vẫn còn doanh nghiệp xin, cơ quan quản lý còn tâm lý ban phát. Theo đó, vòng luẩn quẩn về môi trường kinh doanh khó tháo gỡ.

5 năm xin giấy phép một lần, ai dám đầu tư dự án 40 năm?

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI chia sẻ về những khó khăn hiện hữu về vấn đề chi phí, vốn, năng suất lao động, thủ tục hành chính, công tác thanh tra kiểm tra nhũng nhiễu... Trong bối cảnh và môi trường như vậy, các doanh nghiệp vẫn đang lựa chọn theo phương án "Khôn thì dựng trại, dại thì dựng nhà”. Doanh nghiệp cứ nhỏ thế để tránh những phiền phức và giảm thiểu những lần phải vấp phải vượt rào cản.

Theo đó, TS Hồ Sỹ Hùng cũng chia sẻ, nếu được đóng góp cho Chính phủ, về dài hạn, ông mong muốn trả môi trường kinh doanh về đúng nghĩa. Quyền kinh doanh của doanh nghiệp được pháp luật ủng hộ và thực thi một cách nghiêm minh.

TS Phan Đức Hiếu cũng cho rằng nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp không phải đến từ chi phí không chính thức, thuế mà mà do chi phí từ gánh nặng pháp luật. Làm rõ quan điểm này ông Hiếu đưa ra ví dụ, về giấy phép của 243 ngành nghề kinh có điều kiện chỉ có thời hạn trong vòng 5 năm. Sau 5 năm đó, doanh nghiệp phải đi xin cấp lại giấy phép. "Giả sử doanh nghiệp đã trót đầu tư khoảng 18 tỷ đồng (số vốn trung bình của doanh nghiệp vừa hiện nay), sau 5 năm nếu không xin được giấy phép hoặc chậm được cấp phép, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro kinh tế. Ai sẽ dám đầu tư một dự án kéo dài khoảng 40 năm với số vốn lớn khi nguy cơ bấp bênh 5 năm phải xin lại giấy phép một lần?", TS Hiếu đặt ra câu hỏi.

Ông cho rằng doanh nghiệp sợ nhất là rủi ro, không bền vững trong kinh doanh. Quy định pháp luật hiện nay chưa bảo vệ được cho doanh nghiệp. Vì vậy, nếu được kiến nghị với Chính phủ, vị Viện phó CIEM cho rằng nên ưu tiên gỡ bỏ rào cản pháp lý.

Theo Minh Tâm

Infonet

Trở lên trên