Đừng để nông dân thiệt thòi trong thu hồi đất nông nghiệp
GS Trần Đình Long cho rằng, trong vấn đề thu hồi đất nông nghiệp, người nông dân luôn là đối tượng “cực khổ” nhất, do đó sửa Luật Đất đai cần chú ý tới vấn đề này.
- 07-03-2023HoREA: Tin vui cho doanh nghiệp địa ốc khi 119.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm nay được "gỡ khó"
- 07-03-2023Động thái giảm lãi suất từ ngân hàng trong tháng 3/2023, thị trường bất động sản sẽ thế nào?
- 07-03-2023[Photo Essay] Toàn cảnh trung tâm thương mại đắt nhất Hà Nội ngay sát khu nhà giàu Ciputra
Tại hội nghị góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do Hội đồng tư vấn khoa học và môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức chiều 6/3, các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đóng góp ý kiến xung quanh câu chuyện thu hồi đất, bồi thường cũng như vấn đề quy hoạch đất đai.
Làm sao để người dân không bị thiệt thòi
Đề cập đến việc thu hồi đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, GS Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng cho rằng, phải lưu ý đến quyền lợi của người dân, bởi trong vấn đề này, người nông dân luôn là đối tượng “cực khổ” nhất.
“Hiện nay, nhiều nhà ở như khu An Khánh (Hà Nội) vẫn còn bỏ hoang. Bất cập là vậy, nhưng lúc đền bù đất nông nghiệp, nông dân chỉ nhận được mức đền bù rất thấp. Số tiền đó không đủ để người nông dân tái thiết sản xuất, kinh doanh và tái định cư", GS Trần Đình Long đề nghị quy định trong dự thảo luật lưu ý thêm quy định về thu hồi đất nông nghiệp, làm sao để người nông dân không phải chịu thiệt thòi.
GS.TS Trần Đình Long nêu ý kiến góp ý tại hội nghị
Theo PGS.TS Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng, thực tế hiện nay, sự chênh lệch giữa giá đất đền bù khi Nhà nước thu hồi và giá đất sau khi chuyển đổi, đưa vào kinh doanh đang tạo ra các kẽ hở. Lần này, dự thảo Luật quy định giá đất theo giá thị trường là điều người dân mong đợi vì sẽ khắc phục được sự chênh lệch này.
“Người dân mong muốn Luật Đất đai làm sao để đời sống nhân dân thấy có lợi trong việc bồi thường giá đất, không bị thiệt thòi như trước đây, phải nhận bồi thường giá bèo trong khi giá đất sau thu hồi đưa vào kinh doanh lại tăng gấp nhiều lần”, ông Phạm Hữu Tiến nêu ý kiến.
Về quy định cách định giá đất, GS.TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng cho biết, trong dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định rất đơn giản là “giao Chính phủ quy định chi tiết”. Khi Chính phủ biên soạn lại theo ý kiến của các bộ có liên quan sẽ không tránh khỏi tình trạng “quan liêu”, vì vậy nên quy định có tính chất định hướng, tính nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản.
Một vấn đề nữa là dự thảo luật chưa định nghĩa rõ thế nào là “thị trường”, trong khi thị trường đất ở nước ta chưa hoàn thiện với hiện tượng đầu cơ còn khá phổ biến và ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường. Do đó cần làm rõ thế nào là “giá phổ biến trên thị trường” bởi giá cả sẽ dao động và đâu là căn cứ để biết đó là giá phổ biến để điều chỉnh giá đất.
“Cần lưu ý, khi đất nông nghiệp bị thu hồi thì giá đất được tính bằng giá đất nông nghiệp thấp hơn rất nhiều so với giá đất thương mại và đất ở sau khi đã chuyển đổi mục đích. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc nông dân đòi quyền lợi và kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng”, GS Lê Vân Trình cho biết.
Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải công khai, công tâm
Liên quan vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, PGS.TS Phạm Hữu Tiến cho biết, lâu nay việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thể hiện được tính khách quan, tính cần thiết của phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng. Việc khoanh vùng đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch hầu như người dân không ai biết; thậm chí khoanh vùng đất, lập quy hoạch rồi để đấy, không ai sử dụng đất.
“Tấc đất, tấc vàng, giờ lại bỏ đấy, nên thành ra dân bức xúc lắm”, ông Tiến cho biết, điều người dân mong mỏi là làm sao việc lập quy hoạch, kế hoạch phải công khai, công tâm, căn cứ vào nhu cầu phát triển địa phương cũng như cả nước, tránh tiêu cực.
PGS.TS Phạm Hữu Tiến phát biểu góp ý tại hội nghị
Theo ông Phạm Hữu Tiến, luật hiện hành và cả dự thảo Luật quy định trách nhiệm của người dân khi không chấp hành quy hoạch hay thu hồi đất, song lại không quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này. Vì không ràng buộc trách nhiệm cơ quan quản lý, thực thi một cách chặt chẽ nên đã tạo thành kẽ hở dẫn đến tham nhũng, trục lợi trong lĩnh vực đất đai.
Ông đề nghị cần thực hiện nghiêm việc công khai, công bố quy hoạch, kế hoạch (trừ trường hợp đặc biệt vì an ninh quốc phòng) sử dụng đất và thu hồi đất để nhân dân giám sát; có cơ chế xử lý nghiêm không chỉ đối với người dân không tuân thủ các quy định pháp luật mà còn đối với những cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện đúng các quy định của luật.
Cùng bàn nội dung này, GS.TS Trần Đình Long cho biết, dự thảo luật quy định khi lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phải lấy ý kiến nhân dân, song ông kiến nghị nên quy định cụ thể tỷ lệ bao nhiêu phần trăm người dân đồng ý thì mới được thông qua.
"Nếu chỉ lấy ý kiến thì nghĩa là người dân chỉ có ý kiến và ý kiến chỉ để tham khảo. Cần phải quy định cụ thể về tỷ lệ người dân đồng ý với quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch đất đai", GS Long kiến nghị./.
VOV