Đường biển gặp khó, Nga rót 'vốn khủng' nâng cấp đường sắt khi giao thương với Trung Quốc tăng mạnh
Moscow đang tăng cường quan hệ đối tác thương mại với Bắc Kinh, vạch ra kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào hai tuyến đường sắt quan trọng.
- 11-03-2024Nga mất vị trí xuất khẩu vũ khí thứ hai thế giới
- 11-03-20243 nước bắt tay Pháp lập liên minh đưa quân tới Ukraine: Nga xé lằn ranh đỏ, cảnh cáo "quyết định tự sát"
- 09-03-2024Hệ thống phòng thủ yếu kém đến bất ngờ của Ukraine giúp Nga tiến bước
Bloomberg hôm 7/3 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi tăng cường năng lực vận chuyển trên Trans-Siberian và Baikal-Amur Mainline - hai tuyến đường sắt nối Nga với Trung Quốc ở phía nam. Theo đó, khoảng 4 tỷ USD dự kiến sẽ được chi cho cơ sở hạ tầng đường sắt, và các khoản đầu tư cho tương lai có thể được phê duyệt trong tháng này.
Đó là bằng chứng về mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia. Tại cuộc họp báo tuần trước khuôn khổ kỳ họp "Lưỡng hội", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết: "Trung Quốc và Nga đã tạo ra một mô hình mới về quan hệ giữa các cường quốc."
"Sự tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị của hai bên tiếp tục ngày càng sâu sắc. Khí đốt tự nhiên của Nga đang đến tay các hộ gia đình ở Trung Quốc, trong khi ô tô Trung Quốc đang chạy trên đường phố Nga", ông Vương nói.
Theo Bloomberg, việc chú trọng cải thiện đường sắt cũng có thể là kết quả của những khó khăn ngày càng tăng trên tuyến đường biển của Nga, khi các lệnh trừng phạt của phương Tây ngày càng hạn chế nỗ lực xuất khẩu dầu thô và các mặt hàng khác của Nga.
Những tháng gần đây đã chứng kiến việc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) thực thi ngày càng chặt chẽ hơn giới hạn giá đối với dầu của Nga, dẫn đến lệnh trừng phạt đối với 50 tàu chở dầu vào đầu tháng 2.
Cách tiếp cận chặt chẽ hơn của phương Tây cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại của Nga với các thị trường trọng điểm khác. Ví dụ, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã thể hiện sự sẵn sàng trong việc giảm mua các sản phẩm của Nga, mặc dù Ấn Độ đã trở thành nước mua dầu thô qua đường biển lớn nhất của Nga vào năm 2023.
Bloomberg cho biết, Bộ Năng lượng Nga đang tìm cách ưu tiên vận chuyển dầu bằng đường sắt. Trong năm nay cũng có thể xuất hiện những thông tin chi tiết hơn về việc xây dựng hai tuyến đường sắt mới với Trung Quốc cho đến năm 2030, bổ sung vào bốn tuyến đường đã có từ trước.
Theo Bloomberg, đầu tư lớn là cần thiết vì các vấn đề hậu cần đang gây khó khăn cho các tuyến đường sắt của Nga. Vào năm 2023, ngành đường sắt nước này vận chuyển lượng hàng hóa ít hơn 13% so với công suất cho phép; tình trạng tắc nghẽn là một điều bình thường ngay cả trước khi chiến sự tại Ukraine làm gia tăng nhu cầu vận chuyển, hiện cao gấp đôi so với những gì hệ thống có thể xử lý.
Việc tăng cường theo kế hoạch sẽ nâng công suất vận chuyển trên hai tuyến đường sắt nêu trên của Nga lên 210 triệu tấn vào năm 2030, so với 150,5 triệu tấn vào năm 2023.
Thương mại Nga - Trung phát triển mạnh mẽ
Các số liệu thương mại mới nhất do Hải quan Trung Quốc công bố hôm 8/3 cho thấy, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đang phát triển mạnh mẽ, với tổng giá trị thương mại đạt 37 tỷ USD trong tháng 1 và tháng 2 năm nay.
Điều này bao gồm 16,8 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc (tăng 12,5%) sang Nga và 20,2 tỷ USD nhập khẩu (tăng 6,7%) từ nước láng giềng phía bắc, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng trưởng này vượt xa mức tăng trưởng mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt được ở hầu hết các quốc gia khác. Chỉ có Ấn Độ và Canada có mức tăng trưởng thương mại song phương với Trung Quốc cao hơn, với mức tăng lần lượt là 15,8% và 10,4%.
Trong khi đó, xuất khẩu sang đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ giảm 5%, còn hàng nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc giảm gần 10%.
Nhà kinh tế học George Magnus - cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) và hiện là cộng tác viên tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford (Anh) - cho biết: "Khối lượng xuất khẩu ngày càng tăng sang Nga chắc chắn là một phần của xu hướng, trong đó thương mại Trung-Nga đang thay thế [các mối quan hệ] thương mại khác và phản ánh sự hội nhập ngày càng tăng."
Theo trang Newsweek, Trung Quốc đã giúp Nga giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt một cách hiệu quả bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế, cung cấp tiền tệ thay thế cho các giao dịch và giúp bù đắp tổn thất trong các đơn đặt hàng khí đốt và dầu mỏ của Nga từ phương Tây.
Mối quan hệ hợp tác này ngày càng trở nên quan trọng khi các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Nga để đáp trả việc nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ ba.
Đời sống & pháp luật