MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường đắng!

27-02-2018 - 18:38 PM | Thị trường

Sau nhiều cuộc “giải cứu nông sản” từ dưa hấu, tỏi… cho đến thịt lợn, giờ đây, ngành mía đường trong nước lại đang đứng trước khủng hoảng để chờ cơ hội được giải cứu.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam bày tỏ, ngành mía đường đang vô cùng khó khăn, lượng đường tồn kho của niên vụ cũ vẫn còn 200.000 tấn. Trong khi đó, việc tiêu thụ đường khá chậm vì các đối tác ngừng nhập hàng, trông chờ thời điểm thực thi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1/1/2018, thuế NK đường khu vực ASEAN xuống 0%. Vì thế, nhiều nhà máy chấp nhận bán đường dưới giá thành song "ế vẫn hoàn ế”, đã có nhà máy phải tạm ngừng sản xuất. Không những thế, ngành mía đường trong nước còn lao đao vì đường NK giá rẻ cùng vấn nạn đường lậu.

Trước hoàn cảnh “éo le” này của ngành mía đường, các DN lại kêu cứu lên các cơ quan quản lý. Một phương án được đưa ra là kiến nghị lùi thời gian thực hiện ATIGA đối với mặt hàng đường đến năm 2020; mặt khác là đề xuất Chính phủ xây dựng Luật Mía đường để đảm bảo hành lang pháp lý cho ngành phát triển, đồng thời sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành mía đường.

Nhưng rõ ràng, một trong những giải pháp nêu trên có điểm bất hợp lý, việc đàm phán lại với các đối tác trong ATIGA có thể làm mất uy tín của Việt Nam liên quan đến những gì đã cam kết. Không những thế, các chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ đứng ra bảo hộ sẽ khiến DN nảy sinh tâm lý ỷ lại, dựa vào cơ chế bao cấp, xin – cho để hoạt động mà không biết tìm ra thế mạnh để cạnh tranh.

Từ câu chuyện của ngành mía đường hay câu chuyện của các ngành nông sản khác, chúng ta thấy được một bài toán cố hữu chưa có hướng giải quyết của nền nông nghiệp nước ta là việc quy hoạch, cơ cấu ngành một cách hợp lý. Các DN thấy lợi là phát triển ồ ạt, không tính theo phương án dài lâu. Phải chăng vì nghĩ rằng sẽ được “dựa hơi” các cơ quan quản lý (?!). Trong khi đó, một nền kinh tế mạnh không thể cứ đứng ra bảo hộ các DN mà phải có phương án để các DN tự lớn lên, phát triển mạnh mẽ hơn, nâng cao sức cạnh tranh. Có thể, trước nguy cơ khó khăn của cả một ngành, cả nước sẵn lòng đứng ra “giải cứu”, nhưng giải cứu mãi không phải là giải pháp, nhất là khi muốn phát triển theo nền kinh tế thị trường. Vì thế, một “đòn đau” như để DN phá sản có lẽ sẽ là bài học tốt để các DN tỉnh ngộ, biết tìm phương hướng cân bằng cung – cầu, sắp xếp và cơ cấu lại hoạt động cho phù hợp.

Theo Bình Nam

Hải quan

Trở lên trên