Đường dây cho hơn 1 triệu người vay nặng lãi: Quy mô 20.000 tỷ, tổ chức rửa tiền và chuyển tiền trái phép trên 5.000 tỷ đồng
Từ năm 2018 đến nay, nhóm người Trung Quốc đến Việt Nam để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với tổng số tiền hơn 20.000 tỷ đồng, tổ chức rửa tiền, chuyển tiền thu lợi bất chính hơn 5.000 tỷ đồng.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam, trước đó, sáng 20/3/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa xét xử 40 bị cáo liên quan đường dây tín dụng đen qua các ứng dụng trên mạng xã hội quy mô hơn 20.000 tỷ đồng.
Đường dây này đã tổ chức cho hơn 1 triệu người trên toàn quốc vay thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, với lãi suất hơn 2.300%/năm. Số tiền cho vay lãi nặng lên đến hơn 20.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 8.000 tỷ đồng, tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam với số tiền trên 5.000 tỷ đồng.
Theo cáo trạng từ cơ quan chức năng, từ năm 2018 đến nay, Lu Wang, Li Xiao Hu, Wu Jian Chao và nhiều đối tượng quốc tịch Trung Quốc khác đến Việt Nam để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc các đường link website do các đối tượng này tạo ra. Nhóm đối tượng này hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Để che giấu hành vi cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, các đối tượng này đã thông qua đối tượng Nguyễn Chánh Thiên trực tiếp thuê nhiều người Việt Nam như: Lý Xương Bành, Phạm Xuân Trường, Lý Ngọc Ngân, Hồng Thanh Tuấn đứng tên thành lập các pháp nhân thương mại ảo, "công ty ma" tuyển dụng nhân sự tổ chức hoạt động cho vay với lãi suất từ 38% đến 45%.
Thời hạn vay đối với các ứng dụng là 7 ngày, tương ứng lãi suất từ 1.981% đến 2.346%/năm.
Các đối tượng sử dụng hàng nghìn tài khoản ngân hàng để luân chuyển dòng tiền qua lại nhằm mục đích "rửa tiền" qua bất động sản, "chuyển tiền trái phép" ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bằng "tiền ảo" USDT trên sàn giao dịch Binance và các kênh chuyển tiền bất hợp pháp.
Cơ quan chức năng xác định: Lu Wang là chủ mưu cầm đầu đường dây, thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay lãi nặng hơn 6,7 tỷ đồng. Lu Wang đã sử dụng số tiền do phạm tội mà có để mua các căn hộ tại TP.Hồ Chí Minh nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền này.
Trong khi đó, Li Xiao Hu phụ trách công việc kế toán, quản lý nhân viên có hành vi giúp sức cho đường dây hoạt động cho vay lãi nặng qua "App" do Lu Wang tổ chức, đã hưởng lợi số tiền từ hoạt động cho vay lãi nặng của Lu Wang 630 triệu đồng.
Đối tượng Wu Jian Chao là trợ lý cho Sun Xin, đã có hành vi nhận tiền từ các công ty trung gian thanh toán để trả lương nhân viên và các chi phí cho hoạt động cho vay lãi nặng qua App do Sun Xin tổ chức chỉ đạo với số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Wu Jian Chao đã giúp sức cho Sun Xin hợp thức hóa nguồn tiền có được qua hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức mua bán USDT (tiền ảo) cho Lâm Thị Ngọc Loan với tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Chánh Thiên đã có hành vi giúp sức tích cực cho Sun Xin trong việc thuê người khác đứng đại diện pháp luật thành lập các "công ty ma"; trực tiếp móc nối với các công ty trung gian thanh toán để sử dụng pháp nhân thương mại "ma" ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ thu - chi hộ để Sun Xin, Lu Wang và các đối tượng Trung Quốc tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng thông qua các ứng dụng.
Ngoài ra, có thêm nhiều bị cáo khác bị khởi tố tội danh "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; "rửa tiền"; "cưỡng đoạt tài sản"; "đưa hối lộ"; "môi giới hối lộ"; "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"...
Chuyên án đã được Công an Quảng Nam phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an các địa phương trên cả nước triệt phá vào tháng 7/2023.
40 bị cáo được đưa ra xét xử trong giai đoạn 1 của vụ án, ngoài ra, sẽ có 70 bị can khác liên quan đến vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong giai đoạn 2. Đây là vụ án liên quan đến tín dụng đen lớn nhất từ trước đến nay được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử.
Tuy nhiên, ngày 22-3, TAND tỉnh Quảng Nam cho hay, phiên tòa xét xử đường dây đường dây này do phát sinh tài liệu mới nên hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để làm rõ.