MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Đi sớm về muộn

Dự án đường sắt đoạn Nhổn - ga Hà Nội dự kiến hoàn thành vào năm 2027, chậm 8 năm so với tiến độ ban đầu và đã đội vốn gần gấp đôi.

Dự án đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu từ năm 2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng sau nhiều lần chậm tiến độ, dự án này có thể phải năm 2027 mới hoàn thành.

Đội vốn gần gấp đôi, bị phạt 6.000 tỉ đồng

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án này khởi công sớm hơn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau hơn 13 năm thi công, hiện đã bị đội vốn từ hơn 18.000 tỉ đồng lên 34.826 tỉ đồng (gần gấp đôi), ngoài ra, số tiền bị phạt do chậm bàn giao mặt bằng khoảng 6.000 tỉ đồng.

Kế hoạch hoàn thành dự án là năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của dự án dự kiến là 2027, gồm cả đoạn ngầm, đoạn trên cao dự kiến khai thác thương mại trong năm nay.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết việc dự án chậm tiến độ có nhiều lý do khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân chủ quan, ông Tuấn thừa nhận công tác lãnh đạo chỉ đạo và điều hành của UBND thành phố đối với dự án chưa sát sao, quyết liệt; chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án; năng lực triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan còn nhiều hạn chế, yếu kém; năng lực nhà thầu Hancorp là nhà thầu thực hiện gói thầu CP05 - công trình kiến trúc depot - hạn chế và chậm trễ thực hiện các yêu cầu của chủ đầu tư, UBND thành phố.

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Đi sớm về muộn - Ảnh 2.

Tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội Ảnh: MRB

Về nguyên nhân khách quan, theo đại diện UBND TP Hà Nội, các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành; quy định về giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ như thủ tục giao vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương, vốn ODA vay lại trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa kịp thời, chưa phù hợp nhu cầu (do bắt đầu từ năm 2016 áp dụng quy định giải ngân vốn ODA theo kế hoạch theo Luật Ngân sách); các vướng mắc quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; (4) cơ chế, chính sách và quy định về GPMB rất phức tạp; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Chấn (trú tại đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) cho biết cách đây hơn 2 năm, nhiều người dân đã hồ hởi tới tham quan đoàn tàu cùng nhà ga với thông tin tuyến đường sắt đô thị là giải pháp xanh góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ở thủ đô này sẽ đi vào khai thác thương mại đoạn trên cao vào cuối năm 2021, nhưng từ cuối năm 2021 tới nay, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vẫn chỉ dừng lại ở… chạy thử, chưa biết bao giờ mới vận hành thương mại.

Phải quy rõ trách nhiệm

Sốt ruột trước việc đường sắt Nhổn - ga Hà Nội liên tục chậm tiến độ, chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho rằng trách nhiệm trước hết là do Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội (MRB). Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu như đến năm 2027, dự án vẫn tiếp tục chậm tiến độ, không về đích đúng hẹn thì sẽ thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm? Khi đó MRB lại tiếp tục "điệp khúc xin lùi", ai là người chịu trách nhiệm với người dân, với khoản đội vốn.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần nhìn nhận xem từ nay đến thời hạn 2027 thì liệu các tồn tại, vướng mắc có giải quyết được không? Cần cơ chế gì để tháo gỡ, cần cấp thẩm quyền nào xem xét, quyết định… Cần công khai thông tin để các cơ quan, người dân giám sát.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho hay để dự án có thể thực hiện thuận lợi, cần nhìn nhận đúng về hợp đồng ký với nhà thầu. FIDIC là loại hợp đồng quốc tế rất nhiều quốc gia trên thế giới tuân theo. Tinh thần của hợp đồng này là các bên đều là đối tác, có quyền lợi bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta hiện nay là chưa thể bảo đảm được sự công bằng với đối tác trong hợp đồng. Có những việc chủ đầu tư nhượng bộ nhà thầu lại bị luật pháp trong nước xem là thiếu trách nhiệm quản lý khiến chủ đầu tư rụt rè khi ứng xử.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đề nghị phải chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể trong việc dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ và đội vốn. Đồng thời, cần phải có chế tài nghiêm minh để người dân khỏi bị hụt hẫng, thất vọng về dự án này.

Đề nghị Hà Nội chịu trách nhiệm việc tăng vốn

Về sơ bộ tổng mức đầu tư (TMĐT) dự án điều chỉnh (34.826 tỉ đồng) mà Hà Nội vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết qua xem xét hồ sơ dự án cho thấy năm 2014, dự án điều chỉnh tăng TMĐT (lần 1) từ 18.408 tỉ đồng lên 32.910 tỉ đồng, tăng 14.502 tỉ đồng. Đến nay, Hà Nội đề xuất điều chỉnh TMĐT dự án từ 32.910 tỉ đồng lên 34.826 tỉ đồng, tăng 1.916 tỉ đồng. Như vậy, quá trình triển khai dự án được thực hiện trong thời gian dài, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, theo ý kiến Bộ Xây dựng, dự án đang thực hiện dở dang, nhiều chi phí đã thực hiện hoặc đang thực hiện theo hợp đồng nhưng không có sự phân tách, làm rõ phần không điều chỉnh, phần điều chỉnh và nguyên nhân điều chỉnh; chưa đánh giá các vấn đề vướng mắc hiện nay tác động đến các khoản mục chi phí trong sơ bộ TMĐT và các chi phí phát sinh khác (nếu có).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm việc điều chỉnh TMDT dự án tương ứng với từng thời kỳ bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Theo Bạch Huy Thanh

Người lao động

Trở lên trên