MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ðề nghị siết quản lý chất lượng lốp ô tô nhập khẩu

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa có văn bản “kêu cứu” gửi Bộ Công Thương đề nghị siết chặt các quy định về hợp quy chất lượng sản phẩm lốp ô tô nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam hiện có 4 thông tư của Bộ GTVT và của  Bộ KH-CN liên quan đến việc bắt buộc công bố và chứng nhận hợp quy sản phẩm lốp hơi dùng cho ô tô, bao gồm cả nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, theo Vinachem, thời gian qua nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chưa thực hiện đúng các quy định bắt buộc và các cơ quan chức năng cũng chưa kiểm tra, giám sát nghiêm chứng nhận hợp quy khi thông quan. Điều này dẫn đến nhiều sản phẩm lốp ô tô không đảm bảo chất lượng được nhập vào Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng đối với các doanh nghiệp trong nước.

Trước tình hình lốp ô tô không đạt chất lượng và lốp ô tô nhập từ Trung Quốc với giá rẻ hơn khoảng 20% so với nhà sản xuất khác đang nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều, Vinachem đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ GTVT, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị nhập khẩu phải xuất trình giấy chứng nhận hợp quy khi làm thủ tục hải quan nhập hàng vào Việt Nam.

Theo Vinachem, việc tăng cường kiểm soát chất lượng lốp nhập khẩu thông qua kiểm tra chứng nhận hợp quy sản phẩm là yêu cầu bắt buộc để kiểm soát chất lượng lốp ô tô vào thị trường Việt Nam.

Việc các loại săm lốp ô tô từ Trung Quốc nhập nhiều vào Việt Nam đã được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phản ánh nhiều lần từ năm 2014 đến nay. Đến năm 2016 mới có nhiều trường hợp doanh nghiệp bị phát hiện nhập lốp ô tô từ Trung Quốc và kê khai giá nhập khẩu thấp để trốn thuế. Theo đó, các doanh nghiệp nhập lốp từ Trung Quốc chỉ khai mức giá nhập bằng 25%-30% giá thực mua để trốn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.  Đến khi bán ra thị trường, các doanh nghiệp nhập khẩu lốp ô tô cũng chỉ xuất hóa đơn thuế GTGT bằng 50% giá trị đồng thời thu thêm tiền mặt 50% gây thất thoát thuế.

Tổng cục Hải quan thời điểm đó đã phải ra công văn gửi các đơn vị trong ngành về việc siết kiểm tra việc nhập khẩu lốp từ Trung Quốc. Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, rà soát tình hình nhập khẩu lốp ô tô các loại (mã 4011) tại địa phương để thu thập thông tin, xác định dấu hiệu nghi vấn, tham vấn và kiểm tra sau thông quan theo đúng quy định.

Sau đợt ra quân kiểm tra rầm rộ này, việc nhập khẩu và kê khai giá nhập lốp từ Trung Quốc với giá rẻ của các doanh nghiệp có lắng xuống và gần đây lại có dấu hiệu bùng phát trở lại.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

Trở lên trên