EIU: "Ngôi sao đang lên" Việt Nam là trung tâm của chuỗi cung ứng châu Á
Economist Intelligence Unit nhận định trong báo cáo đánh giá về Việt Nam công bố ngày 13/1.
- 15-01-2021VSEA đề nghị giảm nhiệt điện than để phát triển năng lượng tái tạo
- 15-01-2021Thời hạn giá FiT lộ rõ nhược điểm của quy hoạch điện mặt trời
- 15-01-2021Quảng Nam: Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất hơn 630 triệu đồng
Theo báo cáo có tựa đề "Ngôi sao đang lên: Vai trò của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng biến đổi tại châu Á", Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng tiền lương chi trả cho lao động tại Việt Nam sẽ không tăng nhanh tới mức gây tổn hại cho sự cạnh tranh của Việt Nam, tuy nhiên việc thiếu lao động kỹ năng sẽ trở thành một hạn chế.
Về đầu tư, các nhà sản xuất công nghệ cao sẽ tiếp tục nhận được ưu đãi trong nhiều năm tới. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại và duy trì quan hệ tốt với các đối tác thương mại, giúp giảm chi phí giao thương của các doanh nghiệp.
Ông John Marrett, chuyên gia phân tích cao cấp của EIU đánh giá: hiện có nhiều ý kiến đánh giá Việt Nam là một điểm đến thay thế cho Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Song, cũng ý kiến cho rằng, Việt Nam đang tiến nhanh hơn trong chuỗi giá trị, gần đạt đến giới hạn năng lực trong việc phát triển các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu.
Ông Marret cũng nhận định, điểm mạnh chính sách của Việt Nam so với các nước trong khu vực là ở chế độ thuế, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các biện pháp kiểm soát ngoại thương và tỷ giá, cùng với sự ổn định chính trị cao hơn so với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác có trình độ phát triển kinh tế tương đương Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư còn gặp phải một vài rào cản như cơ sở hạ tầng còn phân tán, kết nối giao thông giữa miền Bắc và miền Nam còn hạn chế.
Dù vậy, hàng loạt ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, khả năng tiếp cận thị trường từ các FTAs, tiền lương cạnh tranh, sẽ đảm bảo Việt Nam vẫn là một lựa chọn hấp dẫn đối với các hoạt động sản xuất và những người đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở châu Á.
"Bạn có thể thấy rất rõ lợi thế của các khu công nghiệp công nghệ cao, của dân số rất lớn, năng suất và trình độ chuyên môn của lao động Trung Quốc. Thật khó để tìm được nơi khác có tất cả những lợi thế đó với giá rẻ hơn. Nhưng, những điều này làm cho Việt Nam trở thành cái tên thay thế rất thuận lợi cho một phần sản xuất của Trung Quốc. Tôi tin Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội. Đã có rất nhiều vốn FDI được rót vào để xây dựng các cơ sở sản xuất mới của các công ty đa quốc gia" - ông John nói trong một cuộc trao đổi với báo chí trước đây.
Ông cũng cảnh báo nguy cơ hàng đầu với Việt Nam: Với sự phát triển của tự động hóa, Việt Nam, cũng các nước đang phát triển khác sẽ có nguy cơ bị đẩy xa khỏi cơ hội làm giàu từ sản xuất – điều Trung Quốc từng đạt được.
"Điều đó là có thể xảy ra, chắc chắn là có thể. Và rất khó để có thể giàu lên theo cách tương tự khi mà nhiều quốc gia đang đi con đường đó hơn. Thời điểm 50, 60 năm trước hoặc lâu hơn trước đó, chiến lược thâm dụng lao động là phù hợp. Nhưng giờ thì không hoàn toàn như vậy nữa, hiện tại có nhiều doanh nghiệp đang đi theo hướng thâm dụng vốn thay vì thâm dụng lao động, nhờ có những công nghệ cao được phát triển liên tục. Vì vậy, lao động giá rẻ không phải là thứ có thể dựa dẫm để phát triển kinh tế lâu dài" - ông John Marrett nói.