Ép trọng thần số 1 của mình là Tuân Úc phải chết, Tào Tháo không ngờ đã đẩy Tào Ngụy vào bước đường diệt vong
Ít ai có thể ngờ được rằng, một trong những người con trai của Tuân Úc đã trở thành nhân vật tiên phong hàng đầu dưới trướng nhà Tư Mã trong việc đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của Tào Ngụy.
- 16-11-2020Nhờ hành động khôn ngoan này, Tào Tháo đã giúp Tào Ngụy trở nên hùng mạnh nhất trong 3 nước Tam Quốc: Người thời nay nên học hỏi!
- 10-11-20203 kho báu "kinh người" giúp Tào Tháo trở thành một kiêu hùng của thời đại mà hễ nhắc đến tên, không ai là không biết
- 10-11-2020Sự thật y học từ chuyện Tào Tháo bị 'thần cây đòi mạng', sợ hãi đến giết cả thần y Hoa Đà
Trong một thời kỳ chiến loạn rối ren như Tam Quốc, yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần quyết định sự thành bại của bất kỳ thế lực nào mỗi khi ra trận chính là hậu phương.
Bởi lẽ bất luận là một đôi quân dù có hùng mạnh tới đâu, nếu không có hậu phương vững chắc ở phía sau thì cũng sẽ không thể an tâm chinh chiến. Phe cánh của Tào Tháo cũng không phải ngoại lệ.
Mà năm xưa trong trận doanh của Tào Ngụy, người được Tào Tháo tin tưởng giao cho quyền quản lý hậu phương trong suốt một thời gian dài chính là Tuân Úc.
Thế nhưng ngay cả khi đã từng trở thành trọng thần số một của Tào Mạnh Đức thì Tuân Úc sau cùng vẫn không có được kết cục tốt đẹp.
Tuy nhiên điều mà ít ai có thể lường trước lại nằm ở chỗ, nhiều năm sau khi Tuân Úc qua đời, hậu duệ của ông đã báo thù thành công khi trở thành một trong những nhân vật góp phần đặt dấu chấm hết cho gia tộc họ Tào.
Kết cục bi thảm của vị mưu sĩ cả đời cống hiến cho Tào Tháo
Ảnh minh họa.
Tuân Úc vốn là danh sĩ ở đất Dĩnh Xuyên, xuất thân trong một danh gia vọng tộc có tiếng.
Ban đầu, ông từng làm mưu sĩ dưới trướng Viên Thiệu. Tuy nhiên họ Viên năm xưa dù có nhiều thủ hạ nhưng lại chẳng có được mấy người tài năng.
Đây cũng là một trong những lý do khiến Tào Tháo năm xưa không muốn đứng chung một chiến tuyến với Viên Thiệu.
Về phần Tuân Úc, có lẽ ông cũng đã sớm nhìn ra được điều này, sau đó lại vừa hay có duyên tương ngộ với Tào Tháo, vì vậy liền quyết định đầu quân cho vị quân chủ văn võ song toàn, lòng ôm chí lớn ấy.
Trong suốt một khoảng thời gian dài, Tào Tháo vô cùng coi trọng Tuân Úc. Đặc biệt là vào giai đoạn đầu gây dựng sự nghiệp, vị mưu sĩ họ Tuân ấy đã từng được quân chủ giao quyền quản lý hậu phương.
Sinh thời, Tuân Úc chẳng những là một đại mưu sĩ có tài xử lý thỏa đáng mọi chuyện của hậu phương mà còn là nhân vật nhiều lần giải vây cho quân Tào trong không ít tình huống khẩn cấp.
Tiêu biểu là năm xưa khi Tào Tháo đem quân đi đánh Từ Châu, Lã Bố thừa cơ đánh úp Duyện Châu, Tuân Úc khi ấy dù lâm vào tình thế nguy nan nhưng vẫn một mình đi gặp tướng địch.
Tướng phe Lã Bố thấy Tuân Úc có vẻ cứng cỏi không run sợ, lại thấy thành trì kiên cố không dễ phá, vì vậy mới cho lui quân, đại bản doanh của Tào Tháo cũng nhờ vậy mà được bảo toàn.
Một lần khác trong trận Quan Độ, Tào Tháo vì gặp khó khăn nên thoái chí, liền viết thư hỏi ý Tuân Úc ở hậu phương. Vị mưu sĩ này khuyên quân chủ kiên trì tới cuối. Kết quả là Tào Tháo nghe theo, sau đó thắng lớn ở trận Quan Độ, vang danh thiên hạ.
Chỉ tiếc rằng sau này, Tào Tháo một lòng muốn xưng đế, Tuân Úc lại luôn trung thành với nhà Hán, hai người vì vậy mà nảy sinh mâu thuẫn.
Sau cùng, Tuân Úc lựa chọn cách tự vẫn. Người đời vẫn thường đồn rằng kết cục bi thảm ấy của ông là do bị Tào Tháo bức ép mà thành.
Màn trả thù ngoạn mục của hậu duệ họ Tuân: Góp phần đẩy Tào Ngụy vào con đường diệt vong
Tranh minh họa.
Nhìn lại cuộc đời của Tuân Úc, không khó để nhận thấy tâm sức cả đời của ông dường như đã dành hết cho sự nghiệp của Tào Tháo và gia tộc họ Tào. Chỉ tiếc rằng sau cùng, vị mưu sĩ họ Tuân ấy vẫn không có được kết cục tốt đẹp.
Thế nhưng không ai có thể ngờ được rằng, hậu duệ của Tuân Úc sau này đã thành công báo thù rửa hận cho cha khi trở thành một trong những nhân tố đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của Tào Ngụy.
Nhân vật có màn báo thù ngoạn mục này chính là Tuân Ỷ (205 – 274) – con trai thứ 6 của Tuân Úc.
Sử cũ ghi lại, khi Tuân Úc qua đời, Tuân Ỷ tuổi còn nhỏ nên được anh rể Trần Quần nuôi dưỡng. Dưới thời nhà Ngụy Văn Đế, ông từng làm quan tới chức Trung Lang.
Năm xưa, khi cha con Tư Mã Ý bắt đầu chiếm đoạt quyền hành, Tuân Ỷ vì có quan hệ thân thiết với họ Tư Mã nên đồng ý trợ giúp và gia nhập phe cánh này.
Sau khi lập được chiến công dẹp loạn Vô Khâu Kiệm, ông được phong làm Vạn Tuế Đình hầu, đảm nhiệm chức Tư Không.
Tư Mã Chiêu qua đời, Tuân Ỷ phò tá Tư Mã Viêm, tiếp tục được thăng làm Lâm Hoài công, đảm nhiệm chức Thái úy.
Vì vậy khi Tư Mã Chiêu soán ngôi Tào Ngụy, Tuân Ỷ cũng là một trong những trọng thần tiên phong hàng đầu trong công cuộc đẩy gia tộc này tới bên bờ diệt vong.
Sau khi nhà Tấn thay thế nhà Ngụy, ông vẫn tiếp tục là một trong những nhân vật sở hữu uy vọng hàng đầu trong triều đình.
Với sự thông minh và khéo léo của mình, hậu duệ của Tuân Úc đã trở thành tâm phúc của hàng loạt các nhân vật khét tiếng một thời như Tư Mã Ý, Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu, Tư Mã Viêm… để rồi sau đó hoàn toàn đặt dấu chấm hết cho Tào Ngụy, hoàn thành công cuộc báo thù cho cha.
Kết cục oan oan tương báo này có lẽ ngay tới Tào Tháo tính toán trăm bề năm xưa cũng không thể lường trước được.
*Dịch từ báo nước ngoài
Trí thức trẻ