EU sắp tung gói trừng phạt 12 vào Nga: 1 nước vạch "lằn ranh đỏ", nghi ngờ đòn giáng vào Moscow
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, bất cứ hạn chế nào đối với những người đã làm điều tốt cho Hungary bằng cách "cứu mạng người Hungary, sẽ bị phản đối".
- 01-11-2023Doanh nghiệp một nước EU đổ xô đến Ukraine làm ăn, Tổng thống Zelensky vén màn "nghịch lý"
- 30-10-2023Nga tuyên bố đáp trả động thái tịch thu tài sản của EU
- 29-10-2023Thủ tướng Hungary bảo vệ "cái bắt tay" với ông Putin ở thượng đỉnh EU: Phương Tây sôi sục
"Lằn ranh đỏ" của Hungary
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước ông sẽ phủ quyết gói trừng phạt thứ 12 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga nếu như gói này nhắm vào khí đốt, dầu mỏ hoặc năng lượng hạt nhân của Nga.
"Trong trường hợp có bất cứ điều gì đi ngược lại với lợi ích quốc gia của chúng tôi trong các gói trừng phạt tiếp theo (của EU đối với Nga), chúng tôi chắc chắn sẽ không đồng ý. Vì vậy, lằn ranh đỏ đối với chúng tôi là năng lượng, khí đốt, dầu mỏ và năng lượng hạt nhân, cũng như bất cứ khía cạnh nào khác có thể gây tổn hại tới nền kinh tế quốc gia của chúng tôi," ông Szijjarto nói, nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga là không cần thiết.
"Chính sách trừng phạt đơn giản là không có tác dụng. Các lệnh trừng phạt có thể tác động và gây ảnh hưởng tới Nga nhưng chúng chắc chắn gây ra nhiều tổn hại tới nền kinh tế của châu Âu. Và nếu các chính sách trừng phạt lại gây hại cho người thực hiện hơn là chủ thể mà người thực hiện này nhắm tới, thì lý do tiếp tục các lệnh này là gì?" Ngoại trưởng Hungary nói.
Hãng tin TASS dẫn kết quả nghiên cứu của Cơ quan xếp hạng quốc gia Nga cho biết, trong năm 2022, khoảng 78% số doanh nghiệp lớn nhất của Nga vẫn duy trì ổn định về tài chính và 20% trong số này ghi nhận có biến động nhẹ trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ có 2% công ty hàng đầu tại Nga có báo cáo về tình hình "căng thẳng tài chính".
Cũng theo nghiên cứu trên, các biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine trên thực tế khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng đầu nước này giảm so với năm 2019. Nhưng nhờ sự hỗ trợ về chính sách từ chính phủ Nga trong quý II và III năm ngoái, các doanh nghiệp lớn trong nước đã duy trì ổn định về tài chính.
Theo ông Szijjarto, bất cứ hạn chế nào đối với những người đã làm điều tốt cho Hungary bằng cách "cứu mạng người Hungary" sẽ bị nước này phản đối. Ông nêu ví dụ cụ thể như giúp đất nước này mua vaccine hoặc đóng góp vào nguồn cung năng lượng.
Ví dụ, Ngoại trưởng Hungary tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt đối với Phó Thủ tướng Nga Denis Manturov đã bị loại bỏ: "Bởi vì ông ấy đã giúp đỡ cho Hungary rất nhiều. Ông ấy góp phần cứu sống người dân Hungary trong tình huống khẩn cấp về chăm sóc sức khỏe."
Ông Szijjarto cũng tuyên bố, điều tương tự sẽ được áp dụng với Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp ga Kirill Dmitriev, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko và Bộ trưởng Thể thao Oleg Matytsin.
EU chỉ trích hành động của Hungary
Thủ tướng Bulgaria Nikolay Denkov đã cáo buộc Hungary và Serbia tạo điều kiện cho Điện Kremlin thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt của mình ở Ukraine. Các thành viên của Nghị viện Châu Âu cũng chỉ trích Hungary không tuân thủ luật pháp EU và thiếu hợp tác.
Thành viên Nghị viện Châu Âu đã khởi xướng một nghị quyết có thể loại Hungary khỏi chức chủ tịch EU vào năm 2024 do vi phạm nhiều quy định của khối này.
Hungary được cho là thường xuyên cản trở sự hỗ trợ của EU cho Ukraine và các gói trừng phạt của khối dành cho Moscow. Đáng chú ý, Thủ tướng Hungary Viktor Orban mới đây bày tỏ quan điểm rằng nước này đã đúng khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung Quốc.
Hungary cũng chặn gói viện trợ quân sự trị giá 500 triệu euro của EU cho Ukraine vào hôm 23/10.
Vào ngày 26/10, ông Orban bày tỏ mong muốn được gặp phái đoàn Ukraine tại Budapest trước quyết định của EU về đợt viện trợ quân sự trị giá 500 triệu euro thứ 8 cho Ukraine.
Gói trừng phạt thứ 12 của EU khả năng nhắm vào kim cương
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã xác nhận trong một cuộc họp báo ở Brussels rằng EU đang nghiên cứu gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga, dự kiến sẽ bao gồm lệnh cấm xuất khẩu kim cương từ Nga.
"Chúng tôi đang trong quá trình chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 12 chống lại Nga. Hiện chúng tôi đang tham vấn với các quốc gia thành viên. Đặc biệt, chúng tôi đang tìm cách cắt giảm nguồn tiền mà Nga có được từ việc xuất khẩu kim cương sang châu Âu và các đối tác."
Cũng theo bà Ursula von der Leyen, EU muốn tăng cường hiệu quả của các biện pháp hiện có chống lại Nga.
Tổ quốc