MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FDI 2016 liệu có về đích đúng hẹn?

Gần kết thúc năm 2016, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam chưa có những đột phá để có thể hứa hẹn một năm bội thu so với năm 2015, một số mục tiêu trong thu hút FDI vẫn còn hạn chế. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thu hút FDI đạt thấp so với mục tiêu đề ra.

Hơn 17 tỷ USD đổ vào Việt Nam

“Việc thu hút FDI hiện phụ thuộc rất nhiều vào động thái quốc tế và cả về mặt chính trị. Ví dụ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà Việt Nam đang triển khai, nếu có hiệu quả tốt thì sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, là động lực đối với thu hút FDI vì đối với những nước tiên tiến, phát triển như Mỹ, Nhật Bản… họ yêu cầu tính minh bạch rất cao”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Bước vào năm 2016, thu hút FDI vào Việt Nam đứng trước nhiều thuận lợi với các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ đã và đang tiếp tục ban hành, các bộ ngành, địa phương đang rất quyết tâm cải cách môi trường kinh doanh thúc đẩy thu hút đầu tư. Cùng với đó là việc Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư đã tác động tích cực mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế trong nước.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, để đạt mục tiêu năm 2016 thu hút FDI đạt 23 tỷ USD, Việt Nam phải thu hút được hơn 5 tỷ USD trong vòng 2 tháng cuối năm. Trong điều kiện thời gian còn lại của năm 2016 còn rất ít, việc hoàn thành mục tiêu về con số tuyệt đối của thu hút FDI là không đơn giản, nếu không muốn nói là không thể. Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, đến nay ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 12,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 giải ngân đạt 11 tỷ USD, cả năm 2015, vốn FDI giải ngân là 14,5 tỷ USD).

Theo TS Lê Đăng Doanh, sở dĩ FDI giảm trước hết là do tác động của tình hình kinh tế và tài chính thế giới biến động với sự kiện Brexit, các nhu cầu trên thế giới về một số mặt hàng cũng giảm sút do đó các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn. Bên cạnh đó, Hiệp định TPP gặp khó khăn, sự kiện Brexit… dẫn tới nguồn động lực cho FDI vào đầu tư tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi từ cái gọi là “Made in Vietnam” cũng phai nhạt, cũng giảm đi.

“Việt Nam đã có nỗ lực đổi mới, cải cách nhưng có một số yếu tố bất lợi so với một số nước khác, ví dụ giá lao động của Bangladet, Campuchia… rẻ hơn Việt Nam, do đó họ thu hút được FDI dệt may vào đó. Chúng ta có những bước tiến nhưng một số mặt tiến không nhanh, trong khi các nước khác lại tiến nhanh hơn, do đó Việt Nam cần xem xét lại và nỗ lực hơn”, TS Lê Đăng Doanh nói. Ông cũng nhấn mạnh, cần chú ý thêm vấn đề giải ngân, bởi vốn thực hiện có tăng nhưng không tăng nhiều như mong muốn, do đó phải đẩy mạnh giải ngân cả vốn ODA và FDI, nếu chỉ đăng ký nhiều mà ít thực hiện thì vốn chỉ nằm trên giấy.

Bên cạnh đó, kết quả thu hút FDI 2016 cho thấy nguồn vốn FDI đa phần vẫn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo khi ngành công nghiệp này chiếm gần 73% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng (gần 13 tỷ USD) với 842 dự án đầu tư đăng ký mới, 691 lượt dự án điều chỉnh vốn. Lĩnh vực kinh doanh BĐS cũng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là gần 1 tỷ USD. Như vậy, nhìn vào cơ cấu lĩnh vực đầu tư cho thấy một số mục tiêu trong thu hút FDI chưa được như mong muốn.

Chỉ ra hạn chế của việc định hướng thu hút FDI, Cục Đầu tư nước ngoài thừa nhận, hiện nay FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư vào BĐS còn cao trong khi đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp còn thấp (hiện nay chỉ chiếm 1,6% vốn FDI đăng ký), chưa kể số dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng quá ít. Đặc biệt, thu hút FDI chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao, công nghệ nguồn) và chuyển giao công nghệ. Cụ thể, đối với ngành nông nghiệp, tuy là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng dòng vốn FDI vào nông nghiệp còn tương đối hạn chế so với nhu cầu. Đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư nước ngoài (năm 2012 chiếm 0,6%, năm 2013 chiếm 0,8%, năm 2014 chiếm 0,5% và năm 2015 chiếm 1%).

Cần có đột phá về chính sách

Theo các chuyên gia, sở dĩ FDI vào nông nghiệp không đạt mục tiêu đề ra là do không xây dựng được quy hoạch nguồn vốn FDI cũng như các dự án cụ thể cần ưu tiên vận động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương làm cho nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài Việt Nam cho biết, để thu hút nhiều hơn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang khơi dậy phong trào nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. “Phải phát triển nông nghiệp sạch và đưa công nghệ cao vào nông nghiệp thì sản lượng và hiệu quả mới cao hơn, điều này không những có tác động về kinh tế mà còn đem lại những tác động xã hội lớn, giúp cho tiêu dùng được sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn, môi trường được đảm bảo, XK tốt hơn và đem lại uy tín tốt hơn cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Với công nghệ cao, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng lĩnh vực này đòi hỏi các điều kiện, tiền đề nhất định để hấp dẫn các nhà đầu tư, ví dụ phải có đội ngũ nhân lực được đào tạo, sáng tạo, kỷ luật, gắn kết với DN. Những tiền đề này ở Việt Nam còn yếu. “Hiện nay theo đánh giá, tinh thần gắn kết với DN của lao động Việt Nam còn thấp, trình độ tiếng Anh, năng lực chuyên môn, thực hành kém. Đơn cử, Tập đoàn Intel có nhu cầu tuyển kỹ sư nhưng kiểm tra trình độ 1.000 người thì chỉ chọn được vài chục người. Đây là tỷ lệ đáng báo động”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, tới đây phải có đột phá chính sách cho những ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn. Lấy dẫn chứng Tập đoàn Samsung đã đề xuất nhiều ưu đãi khi đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển tại Hà Nội và hiện nay dự án này đang được triển khai, ông Toàn cho rằng đây là hướng đi tốt, không những lợi mà còn là lợi kép, vì nó không chỉ đem lại nguồn lợi về kinh tế mà họ đưa công nghệ vào Việt Nam và nguồn nhân lực công nghệ cao của Việt Nam sẽ được đào tạo tốt, vì những người làm trong môi trường công nghệ đó sau một thời gian sẽ trưởng thành, nắm bắt trình độ công nghệ hiện đại và trở thành cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật. Sức lan tỏa của những nhân lực này ra các DN trong nước là điều rất đáng quý. “Các địa phương trong khuôn khổ của mình nên có chính sách thu hút các dự án này. Bên cạnh đó, trong công tác xúc tiến đầu tư, chúng ta nên hướng tới các quốc gia, vùng lãnh thổ có công nghệ tốt, có lý lịch tốt trong phát triển công nghệ hơn là cứ xúc tiến đầu tư lan tràn”, ông Toàn khuyến nghị.

Nhận định về khả năng liệu Việt Nam có đạt mục tiêu thu hút 23 tỷ USD trong năm 2016 hay không, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng rất khó lượng định. Về xu hướng, từ nay đến hết năm ít có sự thay đổi, nhưng có thể đầu tư FDI tại một số ngành hàng có ý định đón bắt cơ hội từ Hiệp định TPP sẽ hơi chững lại. Nếu việc ký kết TPP bị ngừng lại thì dự án đầu tư ở lĩnh vực đó chắc chắn bị ảnh hưởng, vì họ đã có tính toán ban đầu việc đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi từ TPP. Ví dụ với ngành dệt may, khi có ý định đầu tư, nhà đầu tư có những tính toán ban đầu để được hưởng thuế suất từ 17-18% xuống 0%. Tuy nhiên, nếu dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu thì có khả năng sẽ chững lại và điều này chúng ta phải tính toán. “Việc thu hút FDI hiện phụ thuộc rất nhiều vào động thái quốc tế và cả về mặt chính trị. Ví dụ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà Việt Nam đang triển khai, nếu có hiệu quả tốt thì sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, là động lực đối với thu hút FDI vì đối với những nước tiên tiến, phát triển như Mỹ, Nhật Bản… họ yêu cầu tính minh bạch rất cao”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đến cuối tháng 10-2016, cả nước có 2.061 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 12,3 tỷ USD, cùng với 967 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,3 tỷ USD, tính chung trong 10 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư FDI đạt 17,6 tỷ USD. Số vốn đăng ký FDI 2016 giảm so với cùng kỳ 2015.

Theo Hoài Anh

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên