FE Credit đang kinh doanh ra sao?
Trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng đang đối mặt với những khó khăn, đặc biệt là từ tình trạng nợ xấu ngày càng tăng cao và diễn biến phức tạp, kết quả kinh doanh của FE Credit tiếp tục đi xuống khi báo lãi âm.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố báo cáo tình hình tài chính định kỳ năm 2023 của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit).
Theo đó, kết thúc năm 2023, FE Credit lỗ sau thuế hơn 2.965,4 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp FE Credit ghi nhận lợi nhuận ở mức âm khi năm 2022, doanh nghiệp cũng lỗ hơn 2.376 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của FE Credit tại thời điểm kết thúc năm 2023 đạt hơn 10.275 tỷ đồng, giảm 22,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ -16,47% xuống -25,22%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành của FE Credit cũng giảm xuống 14,33% so với mức 16,16% tại thời điểm kết thúc năm 2023.
Hệ số nợ/vốn chủ của FE Credit tăng từ 4,78 lần lên mức 5,14 lần, tương ứng doanh nghiệp có tổng nợ phải trả ở khoảng 52.816 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu là hơn 1.399,52 tỷ đồng.
Theo dữ liệu trên HNX, FE Credit đang còn 5 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị theo mệnh giá là 1.400 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này đều được phát hành năm 2022, kỳ hạn 2 năm và có lãi suất từ 6,8-7,5%/năm. Trong đó, lô trái phiếu VPFCH2224001 sẽ đáo hạn vào ngày 24/4/2024; VPFCH2224002 đáo hạn vào ngày 28/4/2024; VPFCH2224003 sẽ đáo hạn vào ngày 29/4/2024; VPFCH2224004 sẽ đáo hạn vào ngày 27/5/2024; VPFCH2224008 sẽ đáo hạn vào ngày 22/8/2024.
Như vậy, cùng với việc lỗ đậm trong 2 năm liên tiếp, FE Credit còn đang có áp lực rất lớn khi hơn nghìn tỷ trái phiếu sắp đáo hạn.
An ninh tiền tệ