FED quyết định tăng lãi suất ở mức lớn nhất trong hơn 20 năm, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Sau cuộc họp chính sách ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất chuẩn thêm 0,5 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000 và bắt đầu thu hẹp bảng cân đối của mình vào tháng 6/2022. Vậy sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam?
- 06-05-2022Tổng cục Thuế gửi công văn đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế
- 05-05-2022Hà Nội sẽ có nhiều huyện lên quận, đặt mục tiêu GRDP bình quân 36.000 USD, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển
- 04-05-2022Trong khi Quảng Ninh đứng đầu 5 năm liên tiếp, những địa phương nào có bước nhảy vọt trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021?
Sau cuộc họp chính sách ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất chuẩn thêm 0,5 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000 nhằm chống lại lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm qua.
Cùng với việc nâng lãi suất, FED sẽ bắt đầu thu hẹp bảng cân đối của mình vào tháng 6/2022 với tốc độ cắt giảm hàng tháng tổng cộng 47,5 tỷ USD (30 tỷ USD mỗi tháng đối với trái phiếu kho bạc và 17,5 tỷ USD đối với trái phiếu nợ và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp) và tăng tốc độ thu hẹp sau ba tháng lên 95 tỷ USD (60 tỷ USD mỗi tháng đối với trái phiếu kho bạc và 35 tỷ USD đối với trái phiếu nợ và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp).
Phân tích về tác động của sự kiện này đến kinh tế Việt Nam, báo cáo chiến lược của VNDirect cho biết, thị trường đã phản ánh một phần lộ trình tăng lãi suất của FED. Tuy nhiên, việc thắt chặt mạnh hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, bao gồm cả các thị trường phát triển và mới nổi.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của BSC cho rằng, việc FED và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, thu hẹp bảng cân đối với tần suất và mức độ nhiều hơn khi mục tiêu kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn sắp tới sẽ khiến rủi ro tăng lên, thị trường chứng khoán bớt hấp dẫn hơn.
"Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát động thái nâng lãi suất từ FED cũng như quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán để có quyết định đầu tư phù hợp", BSC khuyến nghị.
Bên cạnh đó, báo cáo của CTCK ACB (ACBS) cho biết, trên thị trường trái phiếu, Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ phải đẩy nhanh phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong những quý tiếp theo của năm 2022.
"Cho nên, nếu KBNN muốn hoàn thành kế hoạch phát hành năm 2022, KBNN cần phải tăng lãi suất chào thầu để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, khi mà giá trịtrúng thầu gần đây rất thấp so với giá trị đăng ký do lãi suất đăng ký cao", báo cáo cho hay.
Trên thị trường thứ cấp, lợi suất TPCP tháng 4/2022 tăng khá mạnh do tăng trưởng tín dụng mạnh và áp lực gia tăng lãi suất toàn cầu gần đây.
Nguồn: ACBS
Do đó, ACBS đã điều chỉnh nhẹ kỳ vọng lợi suất trên thị trường thứ cấp. Cụ thể, ACBS đánh giá, lợi suất có thể tăng nhẹ trong biên độ 0,5% - 1% trong những tháng sắp tới của năm 2022 do nền lãi suất toàn cầu tăng và chương trình thắt chặt định lượng của FED
Liên quan đến thị trường ngoại hối , báo cáo cho rằng, việc FED và các ngân hàng trung ương lớn khác đang có kế hoạch nâng lãi suất khác để chống lại đà tăng của lạm phát, được xem là một trong những rủi ro tiềm ẩn đối với tỷ giá VND mạnh trong những tháng sắp tới của năm 2022.
Ngoài ra, các chuyên gia ACBS từng nhận định, tác động lớn chính của việc FED tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của FED, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Vốn FDI giải ngân cũng phục hồi trong 4 tháng đầu năm chủ yếu nhờ các biện pháp kiểm dịch và giãn cách xã hội được nới lỏng, và các hoạt động sản xuất công nghiệp hồi phục và tăng trưởng. Mặc dù vốn FDI đăng ký trong 4 tháng 2022 giảm 19,8% nhưng vẫn ở mức cao so với thời điểm cùng kỳ trước dịch năm 2019.
Do đó, ABCS vẫn duy trì quan điểm lạc quan rằng dòng vốn FDI trong tương lai sẽ vẫn mạnh do Việt Nam vẵn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp FDI.
"Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu đến từ thị trường tài chính. Với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và lạm phát được duy trì ở mức dưới 4%, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất", báo cáo của ACBS nhận định.