FiinGroup: Ngân hàng phát hành hơn 136.000 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm, sẽ tiếp tục là nhóm phát hành nhiều nhất trong thời gian tới
Theo dự báo của FiinGroup, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường trong thời gian tới, dự kiến chiếm khoảng 70% giá trị phát hành nửa cuối năm 2024.
- 12-08-2024Ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu, đẩy lãi suất lên gần 8%/năm
- 09-08-2024Một ngân hàng muốn huy động thêm 15.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu
- 06-08-2024Ngân hàng áp đảo phát hành trái phiếu 7 tháng qua, gần gấp 3 nhóm đứng sau
Ngày 15/8, FiinGroup cùng FiinRatings đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Làm sao để biết một trái phiếu đắt hay rẻ” nhằm chia sẻ những kết quả nghiên cứu về đường cong lãi suất, tỷ lệ chậm trả trái phiếu cũng như những cơ sở dữ liệu so sánh khác làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển hạ tầng mềm cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Tại sự kiện, ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính, FiinGroup cho biết, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp từ đầu năm đến 13/8/2024 đạt 240.000 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tức khoảng 11,7% GDP năm 2023.
Chuyên gia của FiinGroup đánh giá việc các doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại là diễn biến tích cực trên thị trường sơ cấp.
Về cơ cấu phát hành, trái phiếu ngân hàng đạt 136.500 tỷ đồng, chiếm 68% tổng giá trị phát hành; trái phiếu bất động sản đạt 43.200 tỷ đồng, chiếm 21,54%.
Lãi suất danh nghĩa bình quân huy động ở mức 7,47%/năm trong 8 tháng 2024, giảm 0,66 điểm % so với mức bình quân 8,13% của năm 2023. Kỳ hạn bình quân ở mức 3,8 năm cho 8 tháng 2024 và giảm so với mức bình quân 4,7 năm của 2023.
"Lãi suất huy động trái phiếu giảm là một tín hiệu tích cực cho thấy rủi ro trên thị trường đang giảm dần", ông Việt cho hay
Cũng theo số liệu của FiinGroup, số dư trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 ở mức 315.000 tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334.000 tỷ đồng. Riêng trái phiếu bất động sản thì số dư đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60.000 tỷ đồng và năm 2025 ước tính ở mức 135.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Trần Phú Việt, tình hình chậm trả đã giảm khá nhiều so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản. Và có 2 lý do giúp cải thiện tình hình này: thứ nhất là do tình hình tài chính của các tổ chức phát hành cải thiện; và thứ hai là các nhà đầu tư và tổ chức phát hành đã chủ động tái cơ cấu nợ trái phiếu.
Dự báo về triển vọng thị trường, chuyên gia của FiinGroup cho biết, trong thời gian tới, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, dự kiến chiếm khoảng 70% giá trị phát hành. Trong khi đó, trái phiếu bất động sản bắt đầu hồi phục nhờ một số có tiến độ pháp lý và trái phiếu hạ tầng có dấu hiệu khởi sắc.
“Lãi suất vẫn cơ bản trên nền thấp nhưng nhiều tổ chức phát hành đang cân nhắc sử dụng vay dài hạn ngân hàng hay phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư phi ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường đang mong đợi hỗ trợ chính sách từ Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo”, ông Trần Phú Việt lưu ý.
Tại báo cáo nghiên cứu “Đường cong lợi suất và lịch sử chậm trả trái phiếu theo điểm xếp hạng tín nhiệm” được công bố trước đó, FiinRatings cũng nhận định, xu hướng chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu ngân hàng và lãi suất tiền gửi dao động trong khoảng 2,0 - 2,5% tùy theo kỳ hạn.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đang ở mức thấp (tương đương với thời điểm COVID-19), trái phiếu ngân hàng có thể là một kênh đầu tư để nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức có thể nhận được lợi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi, với thanh khoản tốt và sự đa dạng về các sự lựa chọn về kỳ hạn và lợi suất.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết, tại Việt Nam, đại bộ phận nhà đầu tư đã quen với khái niệm về sự “đắt” hay “rẻ”, “rủi ro” và “lợi nhuận” khi đầu tư vào cổ phiếu.
Theo ông Thuân, khi đầu tư trái phiếu, các nhà đầu tư đã quen với khái niệm mua trái phiếu, nắm giữ và hưởng lãi suất. Tuy nhiên, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân chưa quen với khái niệm đầu tư trái phiếu, tức là mua và bán trước khi trái phiếu đến hạn. Song song đó, với nhà đầu tư, việc ước lượng giá trái phiếu khi mua bán lưng chừng là vô cùng trừu tượng. Trong khi tại Việt Nam, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế và ở quy mô nhỏ vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, đối với trái phiếu doanh nghiệp, quá trình chỉ mới bắt đầu không chỉ với nhà đầu tư tổ chức mà đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Ông Thuân cho rằng, mức giá của mỗi trái phiếu doanh nghiệp khi giao dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó cơ bản nhất là khả năng trả nợ của chính doanh nghiệp đó khi trái phiếu đáo hạn. Để giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn với trái phiếu doanh nghiệp, vừa qua FiinGroup đã phát hành báo cáo “Đường cong lợi suất và lịch sử chậm trả trái phiếu” theo điểm xếp hạng tín nhiệm. Đây là báo cáo đầu tiên về các chỉ số này trên thị trường trái phiếu Việt Nam.
Nhịp sống Thị trường