FiinGroup: “VN-Index có thể tăng trưởng mạnh bất chấp Covid-19 nếu khối ngoại không bán ròng”
Cũng theo FiinGroup, những ảnh hưởng của Covid-19 đã phản ánh khá rõ nét vào kết quả kinh doanh quý 1/2020 của các doanh nghiệp. Sự tham gia mạnh mẽ với dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân và dịch chuyển dòng tiền của nhóm nhà đầu tư tổ chức trong hoạt động tái cấu trúc danh mục của họ đã tạo nên một tháng 4 sôi động.
FiinGroup vừa đưa ra báo cáo đánh giá sự tương đồng giữa TTCK Việt Nam và TTCK Mỹ trong giai đoạn gần đây.
Cụ thể, dịch bệnh tại Mỹ đang diễn ra khó lường với những tin tức vĩ mô khá tiêu cực. GDP quý 1/2020 vừa công bố ở mức âm 4,8% và theo dự báo của Morgan Stanley GDP Mỹ sẽ còn tiêu cực hơn với mức âm 38% trong quý 2 và sau đó sẽ dần hồi phục để GDP cả năm 2020 ở mức âm 5,5%. Những dự báo trên được giả định trong trường hợp dịch bệnh đạt đỉnh trong tháng 5 này và hoạt động kinh tế cơ bản được khởi động lại.
Trong bối cảnh vĩ mô không quá sáng sủa, chỉ số S&P500 vẫn tăng mạnh 13% trong tháng 4 vừa qua. Đây là mức tăng lớn nhất trong một tháng kể từ năm 1974 trở lại đây.
Trong khi đó, VN-Index vẫn tăng 16% trong tháng 4 trong bối cảnh có hơn 3 tuần cách ly xã hội và có nhiều dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng năm 2020 ở mức 4,8% (theo ADB).
Theo FiinGroup, nhìn tổng quan hai chỉ số S&P500 và VN-Index khá tương đồng và đang trong giai đoạn "test đáy" với mô hình khá giống nhau. Cả hai chỉ số đều trong quá trình trở về với đường trung bình 200 ngày (MA200), mặc dù sức bật của VN-Index có vẻ đuối hơn S&P500.
FiinGroup cho rằng việc S&P500 có độ biến động lớn hơn nhiều so với VN-Index trong thời gian gần đây khi mà Fed cũng tham gia vào thị trường như một "market maker" thực sự với việc mua vào bán ra các công cụ cần thiết để bơm thanh khoản cho thị trường.
Trường phái ủng hộ "bắt đáy" khá phổ biến, không chỉ các tổ chức trung gian như Goldman Sachs, JP Morgan,…mà cả các "big boys" như Day Railo (nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới) vẫn hô mạnh "cash is trash" hay "tiền mặt là rác". Tức là họ có quan điểm về đồng USD yếu và kém hấp dẫn hơn các kênh tài sản khác trong đó có chứng khoán do duy trì lãi suất thấp để kích thích kinh tế và tiêu dùng. Đó là lý do mà chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm mạnh mẽ bất chấp những khó khăn nội tại và nhiều doanh nghiệp và ngành nghề phá sản.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các biện pháp "vòng ngoài" nên việc biến động thấp hơn của VN-Index so với S&P500 là điều có thể hiểu được. Riêng ở Việt Nam thì nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh mẽ trong tháng 3 và tháng 4 với giá trị hơn 15,6 nghìn tỷ đồng (660 triệu USD). FiinGroup cho rằng nếu không có yếu tố khối ngoại bán ròng thì Việt Nam có thể chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của VN-Index, bất chấp dịch bệnh covid-19 vừa qua.
Cũng theo FiinGroup, những ảnh hưởng của Covid-19 đã phản ánh khá rõ nét vào kết quả kinh doanh quý 1/2020 của các doanh nghiệp. Sự tham gia mạnh mẽ với dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân và dịch chuyển dòng tiền của nhóm nhà đầu tư tổ chức trong hoạt động tái cấu trúc danh mục của họ đã tạo nên một tháng 4 sôi động.
Với doanh nghiệp lúc này thì "Tiền mặt là Vua" nhưng với giới đầu tư chứng khoán Việt Nam thì có lẽ "Tiền mặt là rác" vào lúc này cũng đúng, nhất là trong bối cảnh lãi suất thấp được duy trì như hiện nay và họ đã tham gia mua ròng rất mạnh, đưa VN-Index tăng 16% trong tháng 4. FiinGroup kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục tham gia thị trường trong tháng 5 và không xảy ra hiện tượng "Sell in May and Go Away"!