MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Forbes: Sai lầm lớn mà các nhà kinh tế đang mắc phải khi xây dựng mô hình phục hồi hậu Covid-19

Các kịch bản phục hồi, cho dù là chữ V, U, W hay L đều cần được nhìn nhận lại theo một cách toàn diện hơn.

Khi các Chính phủ trên thế giới tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19, nhiều mô hình mới đã được dựng theo các kịch bản khác nhau để phục hồi và đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Hầu như tất cả các mô hình này đều dựa trên cơ sở đánh đối giữa các biện pháp cách ly xã hội và lợi ích kinh tế. Song, tất cả đều có một lỗi sai: sử dụng GDP làm thước đo để xác định như thế nào là "trở lại bình thường".

Đây là một lỗi sai nguy hiểm trong việc lượng hóa hiệu quả kinh tế. Trong một cuộc khảo sát lớn được thực hiện tại Anh vào tuần trước, chỉ có 9% người dân trả lời rằng muốn quay lại cuộc sống giống như thời kỳ tiền khủng hoảng Covid-19. Nếu các cuộc khảo sát được tiến hành trên khắp thế giới, chưa biết chừng sẽ có nhiều bất mãn tương tự với thế giới tiền Covid-19.

Forbes: Sai lầm lớn mà các nhà kinh tế đang mắc phải khi xây dựng mô hình phục hồi hậu Covid-19 - Ảnh 1.

EPA Hoa Kỳ đã giảm tiêu chuẩn khí thải cho các phương tiện giao thông mới

Đã có những dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại rằng một số chính phủ đã hạ thấp tiêu chuẩn môi trường, bảo trợ cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và không bền vững, như một cách để đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế. Đây là sự đánh đổi sai lầm và có thể đẩy nhanh việc bùng phát lần thứ hai. Bởi lẽ, nguồn gốc và sự kiện dẫn đến đại dịch toàn cầu này nằm ở chỗ: nền kinh tế hiện đại đã phá hoại hệ sinh thái tự nhiên.

Điều đó đã từng xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng Eurozone 2011. Hầu hết các quốc gia sau các cuộc khủng hoảng này đã không xây dựng lại một thế giới tốt hơn. Trong cả hai cuộc khủng hoảng kể trên, một thập kỷ sau, tất cả các chỉ số như bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, chỉ số hạnh phúc của công dân, đều rất tệ.

GDP là một khái niệm tương đối mới. Nó đã được đề xuất trong một báo cáo năm 1934 cho Bộ Thương mại bởi nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Simon Kuznets và trình bày trước Quốc hội Hoa Kỳ năm 1937 (ban đầu được gọi là GNP), như một cách để đo lường sản lượng kinh tế trong cuộc Đại khủng hoảng.

Sự cần thiết của đo lường GDP xuất phát từ tính không chắc chắn của các chỉ số, biện pháp, thông tin và công cụ khác trong việc đánh giá sản lượng kinh tế sau sự cố thị trường chứng khoán năm 1929, trong cuộc Đại khủng hoảng. GDP cũng là một cách để đánh giá tác động và tiến độ thực hiện của Thỏa thuận mới.

Vào thời điểm đó, dữ liệu kinh tế bị phân mảnh, không đầy đủ, sai lệch, trễ và thiếu tính kết nối với nhau. Vì vậy, GDP bắt đầu được coi là chỉ số quan trọng nhất trong việc ra quyết định kinh tế. GDP vẫn là một thước đo gây tranh cãi kể từ đó đến nay.

"GDP bao gồm cả ô nhiễm không khí, quảng cáo cho những thứ như thuốc lá, rượu bia. GDP tính cả nhà tù, bom napalm, đầu đạn hạt nhân, và sự mất mát của kỳ quan thiên nhiên... Tuy nhiên, GDP lại không chú ý đến sức khỏe của trẻ em, chất lượng giáo dục hay niềm vui của con trẻ... Nó đo lường mọi thứ một cách ngắn gọn - nhưng lại không đo được những thứ làm cho cuộc sống trở nên đáng giá" - Robert Kennedy (1968), trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.

4 kịch bản sức khỏe hành tinh cho thế giới hậu Covid-19

Đối đầu với đại dịch Covid-19, thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu lớn. Bên cạnh đó, vẫn còn một cuộc khủng hoảng khí hậu, khi hành tinh còn phải đối mặt với sự mất mát đa dạng sinh học nhanh chóng, làm gia tăng sự khan hiếm nước, tăng sự sụp đổ thảm khốc của các rặng san hô, tăng tỷ lệ phá rừng nhiệt đới.

Vì vậy, cần phải có một chỉ số bao quát. Chỉ số "Sức khỏe hành tinh" sẽ đo lường sức khỏe toàn diện của hành tinh, giống như cách GDP bao gồm bốn thành phần chính (Tiêu dùng, Chi tiêu chính phủ, Đầu tư, Xuất khẩu ròng), để hướng dẫn ra quyết định kinh tế.

Thay vì chỉ tập trung vào mở rộng GDP, nền kinh tế xanh bền vững nên được xem là cơ hội tăng trưởng mới và tạo việc làm trị giá hàng nghìn tỷ USD. Điều đó sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế mới bền vững và toàn diện hơn. 

Dưới đây là tổng quan ngắn gọn về bốn kịch bản có thể xảy ra đối với sức khỏe hành tinh xuất hiện dựa trên phản ứng chính sách Covid-19 tương ứng trong những tuần tới.

Kịch bản chữ L

Mô hình "Tăng trưởng kinh tế" thông thường và "cứu trợ các ngành công nghiệp" sẽ đẩy nhanh sự suy yếu sức khỏe hành tinh. Điều này sẽ dẫn đến mô hình chữ L, tức là nhân loại sẽ lại mất nhiều năm để đạt được tiến bộ môi trường.

Kịch bản chữ W

Các phản ứng kinh tế và sức khỏe thiết quyết đoán, không đồng đều và không có sự phối hợp quốc tế, sẽ dẫn đến một bức tranh chắp vá. Tăng trưởng kinh tế yếu hơn vừa làm giảm nhu cầu đối với các ngành khai thác, vừa làm suy yếu khả năng thực thi chính sách của các Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, dẫn đến tỷ lệ khai thác tài nguyên bất hợp pháp cao hơn. Vì người thất nghiệp đang tuyệt vọng, phải tìm mọi cách để kiếm thu nhập. 

Kịch bản chữ U

Cho dù phản ứng kinh tế và sức khỏe yếu, nhưng nếu có các chính sách kinh tế xanh đầy tham vọng thì vẫn có thể có sự phục hồi - dù chậm - cho sức khỏe hành tinh. Tăng trưởng kinh tế yếu hơn có thể dẫn đến giảm tài nguyên cho nền kinh tế xanh. Điều này có thể tạo ra sự phục hồi hành tinh "hình chữ U".

Kịch bản hình chữ V

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đi kèm với đổi mới, định hướng tăng trưởng xanh và bền vững, kết hợp với các can thiệp kinh tế và sức khỏe hiệu quả, ưu tiên các nguồn lực cho nền kinh tế xanh có thể giúp phục hồi sức khỏe hành tinh một cách nhanh chóng. Đây là đích đến cho cả sức khỏe con người, sức khỏe của nền kinh tế và sức khỏe hành tinh. 

Forbes: Sai lầm lớn mà các nhà kinh tế đang mắc phải khi xây dựng mô hình phục hồi hậu Covid-19 - Ảnh 10.

Hoàng An

Forbes

Trở lên trên