Founder Koh Samui: "Thà thử mà vấp ngã còn hơn không thử gì!"
"Với Koh Samui, rõ ràng tôi là tay ngang, không học theo một trường lớp bài bản, thì việc phải vừa làm vừa học, và va vấp trên con đường kinh doanh là không tránh khỏi", Founder Nguyễn Hà Linh chia sẻ.
Chia sẻ về việc đóng cửa 2 cửa hàng Koh Samui trong thời gian gần đây, cô chủ nhỏ Nguyễn Hà Linh cho rằng: Việc đóng cửa hàng không hẳn là thất bại, mà chỉ là một bước lùi có chủ đích để tạo đà cho bước tiến dài hơi và chắc chân về sau của mình cùng nhóm cổ đông mới.
“Việc mở ra đóng vào là câu chuyện rất bình thường của không chỉ thương hiệu đồ ăn – uống mà cả những mô hình dịch vụ khác”, Linh cho biết.
* Linh có thể chia sẻ tình hình kinh doanh của Koh Samui trong thời gian gần đây?
Nguyễn Hà Linh: Thời gian gần đây, chúng tôi đang chạy thử mô hình nhà hàng, nâng cấp lên thành nhà hàng chuyên về đồ ăn Thái. Địa điểm được chọn thử nghiệm là Koh Samui Quang Trung.
Dự định của nhóm cổ đông là tách ra làm 2 thương hiệu: Thương hiệu đồ ăn mặn và Thương hiệu đồ ăn tráng miệng + cà phê.
Dòng đồ ăn mặn sẽ lấy tên thương hiệu mới là Koh Yam Thai, dự kiến khai trương vào đầu tháng 7. Koh Yam Thai sẽ tập trung vào 60 đồ ăn mặn và vẫn giữ nguyên menu đồ uống cùng tráng miệng của Koh Samui. Có thể nói Koh Yam là phiên bản nâng cấp hơn của Koh Samui.
Chúng tôi đã chạy thử nghiệm 3 tháng tại địa điểm Quang Trung. Sự đón nhận của khách hàng khá tích cực. Quang Trung là con phố tập trung nhiều dân văn phòng, nhu cầu ẩm thực khá lớn.
Bởi là thương hiệu mới, chúng tôi làm rất bài bản về phần thương hiệu như thiết kế thương hiệu, định vị sản phẩm… Chúng tôi cũng đã thực hiện nghiên cứu thị trường trong hơn một năm, sau đó mới thực hiện sửa sang cửa hàng để tạo nét riêng.
Địa điểm cho thương hiệu mới này, ngoài địa điểm ở Quang Trung, sẽ còn 2 địa điểm mới tại Hà Nội dự định sẽ mở từ nay đến cuối năm.
Dòng đồ ăn ngọt sẽ giữ nguyên thương hiệu Koh Samui và vẫn đặt ở 2 địa điểm Giảng Võ và Phan Đình Phùng.
* Việc đóng cửa 2 cửa hàng Koh Samui gần đây thì sao?
Trong 2 năm vận hành, Koh Samui gặp phải những thử thách có lẽ không mới trong ngành ẩm thực nhà hàng, nhưng đã có nhiều thử nghiệm món ăn, đã tạo ra được trào lưu, và nhất là phủ sóng được tên thương hiệu mà khi nhắc đến đồăn tráng miệng Thái mọi người đã nhớ đến cái tên Koh Samui.
Thị trường ngoài Bắc theo trào lưu rất nhanh, và quên trào lưu cũng rất nhanh. Cái khó là tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững, chứ không phải chỉ dừng lại là mô hình kinh doanh tạo trào lưu.
Qua 2 năm, bài toán đặt ra là thử thách cho việc dám đổi mới mô hình hay không. Khi việc đổi mới không quá nhiều, thì việc phát triển từ đồ tráng miệng Thái lên đồ ăn mặn là bước tiến bền vững, và không gian của địa điểm này cũng cho phép. Đây là phương án an toàn hơn là lựa chọn một địa điểm chưa biết, chưa quen khách để thử nghiệm mô hình mới.
Với Koh Yam Thai, chúng tôi đã có những bước tiến rất cẩn thận với thử nghiệm vận hành trong 6 tháng cùng sự chuẩn chỉnh về nhân viên tuyển dụng cũng như bộ bếp, sao cho món ăn ra phải chuẩn vị và tốc độ phải nhanh. Làm nhà hàng là một bài toán hoàn toàn khác so với việc làm đồ uống và đồ tráng miệng.
Sau khi ra mắt Koh Yam chính thức vào tháng 7, nhóm cổ đông sẽ chuyển qua định hình lại thương hiệu Koh Samui.
Với bước đi dài hơi hơn, dự định của nhóm cổ đông là sẽ rất cẩn trọng chọn lựa đối tác franchise (nhượng quyền - PV) và mở rộng bằng cách sẽ trực tiếp đầu tư các cửa hàng để có sự mở rộng một cách chắc chắn và quy chất lượng về một mối.
Với mỗi mô hình, mình sẽ học được một điều riêng. Ở thời điểm này, chúng tôi không cần một bước đi quá nhanh, mà là một bước đi chậm và chắc. Với một thị trường ngày càng bão hòa, người sống sót cuối cùng là người đem lại chất lượng dịch vụ tốt, đem lại một gía trị kinh doanh chiều sâu.
* Với việc đóng cửa 2 cửa hàng, Linh có coi đây là giai đoạn thất bại của Koh Samui?
Tôi nghĩ đây không hẳn là thất bại, mà chỉ là sự thách thức trên quá trình kinh doanh không tránh khỏi. Việc mở ra, đóng vào là câu chuyện rất bình thường của không chỉ thương hiệu F&B (Food and Beverage – Ngành thực phẩm và đồ uống – PV) mà của rất nhiều mô hình dịch vụ khác khi cảm thấy địa điểm không đáp ứng được những tiêu chí nhất định trong kinh doanh, cần phải đóng lại sớm trước khi gây ra hiệu ứng domino.
Đây thực sự là quyết định khó khăn, cân não rất nhiều… Tôi nghĩ mình cũng cần có sự quyết đoán để đi đến nước cờ lớn hơn về sau.
Có thể nói rằng, Koh Samui cũng là một sự thử nghiệm và kinh nghiệm đến đâu mình làm đến đó. Khi đã đầu tư Cộng cà phê franchise thành công, tôi đã nghĩ đơn giản là làm franchise cũng sẽ đem đến một sự thành công nào đó.
Nghĩ lại, tôi cho rằng thời điểm mở rộng nhanh chóng ban đầu chưa hẳn là thất bại. Việc mở rộng ra của một thương hiệu F&B cũng là một công cụ quảng cáo, giúp tên thương hiệu được nhiều người biết đến hơn.
Xương sống của một doanh nghiệp thành công là Nhân sự và Dòng tiền. Nhóm cổ đông tiền nhiệm đã chưa nắm bắt được 2 nhân tố này.
Với nhóm cổ đông mới, mọi người đã ngồi với nhau xem những cái mình đặt ra mình có đạt được hay không, bởi tiền đầu tư vào không dưới 1 triệu USD cho bước tiếp theo. Nếu không tính toán cẩn thận, số tiền này sẽ không đi đến đâu cả và khoản mất mát sẽ rất nhiều.
* Linh có cho rằng việc được vinh danh trên Forbes ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của Linh?
Tôi không nghĩ vậy.
Với Koh Samui, rõ ràng tôi là tay ngang, không học theo một trường lớp bài bản, cũng không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thì việc phải vừa làm vừa học, và vấp ngã trên con đường đó là điều bình thường.
Tôi chỉ coi đó là một vấp ngã cho mình học cách đứng lên, chứ không phải thất bại. Đó chính là học phí thay vì bỏ mấy chục nghìn USD đi du học mà chưa chắc mình đã được học những bài học thực tế như vậy.
Việc đóng cửa 2 cửa hàng chỉ là sự nhìn nhận lại, bởi bản thân chúng tôi không phải người có số vốn mạnh mà lại cứ đầu tư khi biết chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu lớn về sau. Lúc đấy, mình bắt buộc phải đóng cửa để bảo toàn giá trị thương hiệu, chuẩn bị cho bước tiến tiếp theo.
* Sau khi Linh được vinh danh là 1 trong 30 người trẻ nổi bật nhất Việt Nam (Danh sách top 30 under 30 do Forbes bình chọn), lượng khách hàng tìm đến các quán Koh Samui tăng đột biến. Đây có phải là nguyên nhân khiến Linh nhận ra chất lượng không đồng đều giữa các quán?
Thời điểm được vinh danh, chúng tôi không còn quảng cáo cho 2 địa điểm trên nữa bởi đã nằm trong kế hoạch tính toán của nhóm. Còn các kênh trôi nổi hoặc khách hàng vãng lai vẫn chọn 2 quán trên thì không tránh khỏi.
Lượng khách tăng lên tốt là điều tốt. Nhưng không phải như bạn nói là vì lượng khách tăng lên, chúng tôi không đáp ứng được nên kiên quyết hơn trong việc đóng cửa.
Với địa điểm Phạm Ngọc Thạch, có thể không cần thiết phải đóng cửa, các đối tác vẫn rất mong tiếp tục hợp đồng franchise, thậm chí có đối tác mới muốn mua thêm franchise bên địa điểm bên đó. Song song ở thời điểm đó, hàng tháng tôi vẫn nhận được lời yêu cầu mua franchise của Koh Samui, nhưng bản thân cổ đông nhận ra nếu chúng tôi đang trong quá trình đổi mới mô hình bên Quang Trung, song song lại củng cố và mở rộng Koh Samui sẽ là bước đi không khôn ngoan.
Cho nên, lúc đó buộc phải gác lại việc muốn hợp tác với nhiều bên để giải một bài toán dài hơi hơn về sau.
* Linh quan niệm thế nào là thất bại?
Thất bại có nhiều cái để nói đến. Nói một người đã thất bại hẳn là thất bại trong một sự nghiệp nào đó và không thể gắng gượng được nữa. Đó là sự thất bại không đáng có.
Thực tế, làm kinh doanh ai cũng sẽ thất bại. Bản thân tôi cũng thất bại nhiều lần. Những lần chuyển đổi từ mô hình này sang mô hình kia cũng là sự thất bại, bởi mình chưa kiên trì theo đuổi mô hình đó, mà hướng tới những mô hình mới, sự trải nghiệm mới. Tôi nghĩ trước 30 tuổi chẳng ngại gì mà không thất bại.
Thà thử mà thất bại còn hơn không thử gì!
Dù làm Koh Yam, Koh Samui hay một thương hiệu khác về sau, tôi cũng giữ vững quan điểm: Đã làm phải kiên trì. Và sau 8 năm chuyển đổi dịch chuyển, tôi đã tìm ra định hướng để mình tập trung theo đuổi.
* Linh nói nhiều về Koh Samui, còn về IBest và Cộng cà phê?
Với Cộng cà phê, tôi đứng trên vai trò là người đầu tư. Cộng cà phê hiện vẫn là thương hiệu đang đi lên. Với thương hiệu Cộng, tôi vẫn dành một khoản vốn nhất định để không cho hết trứng vào một giỏ.
Còn với Koh Samui, là đứa con tinh thần, phải thực sự đầu tư công sức để nhìn thấy thành quả. Với Cộng cà phê, cũng là công sức, sự đầu tư, nhưng vì đi theo một hệ thống sẽ cóđược sự trợ giúp chuẩn, chỉnh từ hệ thống để thảnh thơi hơn lo việc riêng.
Tôi nghĩ ở tuổi tôi mà chỉ nghĩ đến việc đầu tư, ngồi không hưởng lợi thì vẫn còn quá sớm. Mà bản thân tôi vẫn thấy rằng: Khi đầu tư cái gì mới của bản thân, thì vẫn thấy được sự vận động cho bản thân mình, mình phải bước đi. Những lúc khó khăn thế nay tôi thấy rất quý giáđể xem động lực đến đâu, sự quyết tâm đến đâu…
Với IBest, tôi đã hoàn toàn thoái vốn. Tôi đã làm 8 năm với IBest. Mô hình giáo dục cũng là mô hình phải đòi hỏi sự tập trung. Bản thân tôi không thể làm được hết, nếu cứ giữ vị tríđiều hành của cả 2 mảng sẽ không đi đến đâu cả. Cho nên, quyết định bán hết cổ phần của IBEST là để thương hiệu IBEST tiếp tục phát triển mạnh hơn.
* Cảm ơn Linh!
Trí thức trẻ/CafeBiz