MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 30.000 tỷ đồng “tuồn” qua biên giới: Cuộc chiến mới về quản lý tiền tệ

21-12-2020 - 16:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Vấn đề đặt ra không chỉ là phía sau những đồng tiền trái phép đó là ai, mà ngay trên bề mặt vụ án, thách thức đối với quản lý tiền tệ đang cho thấy nhiều vấn đề.

Theo thông tin ban đầu, vụ án vừa khởi tố các bị can đối với hành vi vận chuyển tiền tệ trái phép ra nước ngoài, chưa công bố chi tiết loại hình tài sản vận chuyển là tiền mặt hay các giấy tờ có giá, ngoại tệ hay kim loại quý, đá quý...

Gần 30.000 tỷ đồng “tuồn” qua biên giới: Cuộc chiến mới về quản lý tiền tệ - Ảnh 1.

Công an Hà Nội triệt phá đường dây chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.

Song dù là tiền, ngoại tệ hay tài sản quý, đây đều là vụ việc gây chấn động bởi gần 30.000 tỷ đồng đã bị "xuất biên" trái phép quá lớn. Giá trị của khoản tiền này tương đương với một gói hỗ trợ lĩnh vực bất động sản nhà ở xã hội được triển khai từ những năm 2013. Ngay cả về sau, khi gói hỗ trợ này chấm dứt, Chính phủ cũng chỉ có thể "cân đo" để chi thêm gói bằng giá trị chỉ 1/10 so với giá trị cũ, là gói 3.000 tỷ đồng, để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy mục tiêu an cư trọng đại của người dân.

Còn nếu so sánh với gần đây, khoản 30.000 tỷ đồng tiền vận chuyển trái phép của vụ án vừa được "khui" thậm chí có giá trị gần gấp 2 lần gói hỗ trợ các doanh nghiệp vay chi lương và hỗ trợ người lao động 16.000 tỷ đồng được Chính phủ triển khai trên cả nước trong đại dịch COVID-19. Quy đổi ngoại tệ, 30.000 tỷ đồng lại tương đương gần 1,3 tỷ USD – tức gần bằng 1/2 giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của cả Việt Nam trong 11 tháng 2020 vừa qua.

Hoặc, bằng đúng giá trị tiền mà người Việt chi ra để nhập khẩu ô tô trong suốt 9 tháng đầu năm 2020. Dù là gạo, là ô tô, là nhà ở xã hội… thì, rõ ràng so sánh để thấy gần 30.000 tỷ đồng là một số tiền khủng có ý nghĩa to lớn đối với nhiều lĩnh vực, có thể quyết định được sự tiến lên hay lùi lại của cả một phân khúc, một ngành hàng, trong một thời đoạn. Tiền này từ đâu mà có là một vấn đề.

Và với giá trị tiền lớn đến như vậy nhưng việc vận chuyển trái phép vẫn có thể diễn ra thì rõ ràng việc quản lý các khối tiền tệ, dù là ở khối nào, đều cho thấy có "độ lỏng" nhất định, cũng như độ phức tạp hay việc đo lường quản lý tiền tệ lưu thông chỉ mang tính tương đối so với thực tế (?!). Cùng với đó là mức độ quan ngại khi các hành vi vận chuyển tiền trái phép sang biên giới của cá nhân, tổ chức phạm tội ngày càng tinh vi, khó lường.

Còn nhớ năm 2019, Hà Nội cũng đã xét xử phúc thẩm một vụ án hình sự theo kháng cáo bản án sơ thẩm về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức của một số cá nhân bị cáo kháng cáo.

Theo án này, một số cá nhân đã đã có hành vi làm giả, mua, bán hồ sơ thương mại và trực tiếp chuyển trái phép tiền ngoại tệ ra nước ngoài cho nhiều người nhằm thu lợi bất chính. Hồ sơ thương mại ở đây được làm giả theo hình thức hồ sơ xuất nhập khẩu, được các bị cáo sử dụng làm căn cứ thực hiện đủ các giầy tờ như giấy đề nghị mở tài khoản, giấy ủy quyền, lệnh chuyển tiền, giấy đề nghị bán ngoại tệ, lệnh chuyển tiền, yêu cầu chuyển tiền, phụ lục hợp đồng... phục vụ cho việc chuyển tiền tại các ngân hàng.

Tham gia quá trình phạm tội có cả đối tượng là nhân viên từng làm việc tại bộ phận thanh toán quốc tế của một ngân hàng, hiểu và nắm rõ quy định Nhà nước về thanh toán quốc tế trong hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, biết được việc có thể lợi dụng các phụ lục hợp đồng để chuyển tiền ra nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng, do đó đã tiếp tay cho quá trình vận chuyển tiền trái phép qua biên giới… Phương thức vận chuyển tiền trái phép tinh vi và phức tạp, nhưng vẫn trót lọt cho đến khi bị phanh phui, cũng cho thấy, đâu đó có lỗ hổng trong các quy định thương mại, chuyển thanh toán - Những lổ hổng đủ để nếu biết nghiệp vụ khai thác và cố ý phạm tội, có thể khiến cho những "cỗ voi tiền" to như vậy, nhưng vẫn chui qua được.

Bên cạnh đó, là việc quản lý đạo đức của các cá nhân trong các tổ chức đặc thù có điều kiện dễ dàng tiếp tay cho các hành vi phạm tôi vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới như Hải quan hay ngân hàng… thì hình như vẫn còn có sự buông lỏng.

Gần 30.000 tỷ đồng “tuồn” qua biên giới: Cuộc chiến mới về quản lý tiền tệ - Ảnh 2.

Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới xâm phạm chính sách quản lý tiền tệ quốc gia

Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới, theo các Luật sư, không chỉ hành vi phạm tội gây hậu quả là những thiệt hại gây ra cho trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là trật tự quản lý việc xuất, nhập khẩu  hàng hóa, tiền tệ, kim khí đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa đã bị xâm phạm, gây lũng đoạn thị trường trong nước dẫn đến Nhà nước không kiểm soát được hàng hóa xuất nhập khẩu, gây thất thoát thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu hàng hóa…

Trong bối cảnh phức tạp của các biến động toàn cầu như hiện tại, với số tiền giá trị lớn bị chuyển đi và theo như công bố là thời gian phạm tội dài… vụ án cũng là tiếng chuông cảnh báo đã đến lúc Việt Nam cần phải cảnh giác hơn nữa, siết chặt hơn nữa các biện pháp, bịt kín mọi con đường có thể tạo ra "cửa ngõ" cho tiền tệ xuất biên trái phép. Hơn thế, một chuyên gia tài chính đặt vấn đề: Có "xuất biên" trái phép, cũng sẽ có cơ nguy vận chuyển tiền tệ trái phép vào Việt Nam, "nhập biên" trái phép vì các mục đích khác ngoài ý đồ thu lợi bất chính buôn lậu.

Đây là cuộc chiến dài không chỉ của các cơ quan phòng chống tội phạm mà của cả các nhà quản lý tiền tệ Việt Nam.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên