Gần 800 đơn vị không chịu trả trụ sở
Đến nay còn tới 1,048 tỉ m2 nhà, đất chưa được phê duyệt phương án xử lý theo yêu cầu sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
- 04-08-2017Di dời trụ sở 13 bộ ngành, cần 17.000 tỷ để xây mới?
- 27-07-2017Chuyện chiến tranh chưa kể ở trụ sở NHNN tỉnh Thừa Thiên Huế
- 29-05-2017Việc gọi vốn tư nhân xây trụ sở cơ quan nhà nước sẽ như thế nào?
Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 09/2007 quy định việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và cơ chế tài chính hỗ trợ các tổ chức phải di dời do ô nhiễm môi trường áp dụng trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên trong thực tế, việc thực thi chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế.
Có trụ sở mới, vẫn "ôm" trụ sở cũ
Theo Bộ Tài chính, đến tháng 12-2016, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với 154.853 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích khoảng 3,015 tỉ m2 đất và khoảng 140 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với hơn 123.802 cơ sở với tổng diện tích 1,967 tỉ m2 đất và 116 triệu m2 nhà. Trong số đó, cơ quan chức năng đã quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng 1,857 tỉ m2 đất; 109 triệu m2 nhà. Số còn lại là bán, chuyển nhượng gần 6,3 triệu m2 đất, chuyển mục đích sử dụng hơn 3,3 triệu m2 đất. Như vậy, số lượng khá lớn nhà, đất với diện tích 1,048 tỉ m2 chưa được phê duyệt phương án xử lý.
Tổng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và địa phương trên phạm vi cả nước là trên 50.000 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cho biết theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, tổng cộng 1.053 cơ sở phải di dời đến trụ sở mới, trong đó có 918 cơ sở gây ô nhiễm và 135 cơ sở di dời theo quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, mới chỉ có 266 cơ sở thực hiện di dời theo quy hoạch. Nhiều nơi vẫn còn tâm lý cố giữ nhà, đất đang quản lý, sử dụng, thậm chí một số đơn vị đã được nhà nước đầu tư xây dựng mới nhưng sau khi chuyển về trụ sở mới vẫn không bàn giao lại trụ sở cũ cho nhà nước; chưa nghiêm túc chấp hành, chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định.
Chế tài chưa nghiêm
Nguyên nhân chậm thực thi chính sách là do trong khâu tổ chức thực hiện. Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến công tác sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Có bộ, ngành, địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất nhưng chưa tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các phương án đã được phê duyệt. Một số địa phương thực tế cũng chậm cung cấp thông tin quy hoạch sử dụng đất nên các cơ quan không có cơ sở để lập phương án sử dụng nhà, đất hoặc phương án di dời hiệu quả. Đối với các trường hợp vi phạm chưa có chế tài xử lý phù hợp trong khi công tác hậu kiểm chưa tốt, cơ quan quản lý nhà nước còn nể nang, chưa quyết liệt.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đề nghị cần xử lý nghiêm và triệt để các trường hợp sử dụng sai quy định như cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, bố trí làm nhà ở, lấn chiếm… Đối với nhà, đất sử dụng không hiệu quả, sai quy định, nhà nước thu hồi giao cho tổ chức khác sử dụng để tạo nguồn lực từ quỹ nhà, đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
Tạo quỹ đất để bán
Theo Bộ Tài chính, cần thông qua cơ chế khuyến khích tự sắp xếp diện tích sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất - kinh doanh, tạo quỹ đất dôi dư để bán, chuyển nhượng… hình thành nguồn tài chính cho hiện đại hóa công sở và di dời các cơ sở gây ô nhiễm, giảm gánh nặng cân đối ngân sách nhà nước. Thực hiện tốt cơ chế sắp xếp lại nhà, đất và chính sách di dời sẽ góp phần tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản và nguồn thu từ bất động sản.
Người lao động