MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gấp rút hướng dẫn nhượng quyền thu phí cao tốc đầu tư công

Dù đề xuất thu phí cao tốc đầu tư công, cao tốc đã được chuyển giao quyền sở hữu về nhà nước chưa được cấp thẩm quyền thông qua, nhưng Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng hướng dẫn ký hợp đồng nhượng quyền thu phí.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) đường bộ cao tốc đầu tư công. Loại hợp đồng này có thể được sử dụng để nhượng quyền thu phí cao tốc đầu tư công, cao tốc xác lập sở hữu nhà nước khi được cấp thẩm quyền cho phép thu phí.

Gấp rút hướng dẫn nhượng quyền thu phí cao tốc đầu tư công - Ảnh 1.

Một số đoạn cao tốc Bắc - Nam mới đưa vào sử dụng dù chưa thu phí những đã đặt biển báo.

Theo quy hoạch, tới năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Hệ thống đường cao tốc này đòi hỏi chi phí đầu tư và quản lý khai thác, duy tu rất lớn. Do vậy, Bộ GTVT cho rằng, việc nghiên cứu phương án nhượng quyền khai thác đường cao tốc đầu tư công rất cần thiết. Trong đó, nhượng quyền khai thác theo hợp đồng O&M phù hợp nhất, đã được quy định trong Luật Đầu tư hợp tác công - tư (PPP).

Dự thảo thông tư trên của Bộ GTVT nhằm hướng dẫn nhà đầu tư lập báo cáo đề xuất nhận nhượng quyền thu phí cao tốc đầu tư công, như: Xác định tổng mức đầu tư, doanh thu thu phí, giá trị tối thiểu nộp ngân sách nhà nước, lợi nhuận của nhà đầu tư; hợp đồng mẫu...

Trong dự thảo thông tư đang lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất, sau khi ký hợp đồng O&M, nhà đầu tư phải nộp tối thiểu 30% số tiền nhận chuyển nhượng vào ngân sách nhà nước; hoàn thành nộp ngân sách toàn bộ số tiền trong 12 tháng từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề nghị báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết thu phí sử dụng đường cao tốc đầu tư công, cao tốc bàn giao nhà nước quản lý. Nếu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ nghiên cứu chi tiết mức phí, phương án thu phí, nhượng quyền thu phí cao tốc đầu tư công.

Về mức phí sử dụng đường bộ cao tốc đầu tư công, Bộ GTVT kiến nghị xác định theo 3 nguyên tắc: Mức phí phù hợp với lợi ích người dân; mức phí cân đối trên giá trị đầu tư và chi phí tổ chức thu, bảo trì dự án; các đoạn tuyến khác nhau sẽ có mức phí khác nhau theo điều kiện từng khu vực.

Theo kế hoạch, tới năm 2025, sẽ có hàng loạt tuyến cao tốc đầu tư công đưa vào khai thác, như tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...

Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên