Gara sửa xe khó sống vì một thứ đang được yêu thích: Ông chủ kiêm luôn nhân viên, nhiều người đóng cửa về quê
Ngày càng nhiều gara sửa xe truyền thống ngừng hoạt động, khi xe điện trở nên phổ cập hơn dẫn đến giảm bớt nhu cầu về sửa chữa bảo dưỡng ô tô xăng dầu.
- 31-01-2024Cuộc chiến giảm giá xe điện lan rộng sang xe xăng: showroom đìu hiu không một bóng người, nhiều nhà sản xuất ô tô ‘lo sốt vó’
- 30-01-2024Tấn công hệ thống thông tin giải trí của xe điện, một nhóm hacker chẳng những không bị phạt mà còn kiếm về gần 2,5 tỷ đồng
- 29-01-2024Tiêu thụ ô tô top 3 thế giới, Elon Musk dự đoán sẽ thành 'thị trường lớn nhất của Tesla ngoài Mỹ' - vì sao tìm được một chiếc xe điện ở quốc gia này lại khó như lên trời?
Quá trình chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện đã tạo ra một cuộc cách mạng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ô tô, tác động lớn đến việc làm của gara sửa xe động cơ đốt trong.
Gara sửa xe truyền thống phải đóng cửa
Số liệu từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho thấy, trong vòng 13 năm qua, số lượng gara sửa xe giảm đi gần 1.000 xưởng, tương đương 24,9%, từ 3.711 xưởng xuống còn 2.786 xưởng tính đến tháng 9/2023. Các gara ở Seoul chịu nhiều ảnh hưởng nhất do chi phí thuê mặt bằng cao.
Park Seong-sam, chủ một gara sửa xe tại Samjeon-dong, quận Songpa, Seoul, quyết định đóng cửa do không gánh được tiền thuê nhà, trong khi nhu cầu sửa chữa giảm sút.
Ông cho biết các cửa hàng chuyên về dịch vụ "làm đẹp" như sơn xe đang thay thế xưởng sửa chữa truyền thống, ví von hiện tượng này như "các bệnh viện địa phương biến mất, trong khi các phòng khám da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng". Park cũng từng cố gắng học sửa xe điện, nhưng thấy mình không thể thích nghi với công nghệ mới, mặc dù đã có 30 năm kinh nghiệm với máy xăng dầu. Ông dự kiến tình hình sẽ còn xấu đi và đang có kế hoạch chuyển về quê mở xưởng kiểm tra xe.
Park cho biết lượng khách đang giảm mạnh, dẫn đến việc số lượng gara sửa xe ở Samjeon-dong nay chỉ còn 10 xưởng, so với 16 xưởng của 5 năm trước. Ngay cả những xưởng còn tồn tại thì hầu hết do chủ vừa quản lý vừa sửa xe, gần như không có nhân viên.
Xe điện khiến gara truyền thống lao đao
Korea JoongAng Daily (một trong ba tờ báo tiếng Anh lớn nhất Hàn Quốc) dẫn lời chuyên gia nhận định xe điện ngày càng phổ biến là lý do chính khiến các gara sửa xe phải đóng cửa. Chính sách của chính phủ nhằm loại bỏ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng góp phần thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang xe điện. Nhu cầu sửa xe ngày càng giảm khi xe cũ bị loại bỏ thay vì mang đi sửa, còn xe mới (chạy điện) ít cần bảo dưỡng hơn.
Viện Công nghệ Ô tô Hàn Quốc (KATECH) dự báo nhu cầu sửa chữa xe sẽ giảm 30% trong quá trình chuyển đổi. Năm 2023, số lượng xe diesel giảm đáng kể, trong khi xe điện và các loại xe xanh khác tăng 530.000 chiếc, theo báo cáo của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc.
Hwang Kyung-yeon, chủ một xưởng tại Mullae-dong, quận Yeongdeungpo, Seoul, cho biết xe điện ít khi cần dịch vụ sửa chữa. Họ đến gara chủ yếu để bơm lốp. Tiền bơm không đủ để duy trì kinh doanh.
Kang Soon-geun, Chủ tịch Carpos (Hiệp hội các gara sửa chữa bảo dưỡng ô tô Hàn Quốc), cho biết hầu hết chủ xưởng cũng kiêm luôn thợ. Bản thân ông cũng có gara sửa xe. Nếu trước kia xưởng của ông miễn phí bơm lốp thì nay phải tính phí dịch vụ này để có thêm thu nhập.
Cuộc khủng hoảng khiến nhiều người kêu gọi sự hỗ trợ từ nhà nước, và lo ngại về tình trạng mất cân bằng trong ngành, khi số lượng gara có khả năng sửa chữa xe điện quá ít so với nhu cầu, còn xưởng truyền thống đóng cửa ngày càng nhiều.
Lim Ki-sang, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Tương lai Hàn Quốc, cảnh báo điều này có thể khiến chủ xe điện phải chờ rất lâu để được sửa chữa. Do đó, ông đề xuất chính phủ hỗ trợ để các xưởng truyền thống có thể chuyển đổi thành trung tâm dịch vụ cho xe điện.
Phụ nữ số