Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm sốc
Giá cà phê biến động quá mạnh trong thời gian ngắn khiến các bên rơi vào trạng thái phòng thủ, ngưng giao dịch nhằm hạn chế rủi ro
- 07-05-2024150 quốc gia đua nhau 'chốt đơn' một mặt hàng của Việt Nam: Thu gần 5 tỷ USD từ đầu năm, Trung Quốc ra sức mua hàng dù ‘của nhà trồng được’ nhiều bạt ngàn
- 05-05-2024Việt Nam sở hữu một mặt hàng đứng Top 3 của thế giới: Thu hơn 300 triệu USD trong quý 1, mỗi năm sản xuất ra hơn 100 triệu tấn
- 04-05-2024Một loạt mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều top đầu thế giới đang tăng giá mạnh, chuyện gì xảy ra?
Ngày 8-5, giá cà phê nội địa tiếp tục điều chỉnh giảm về mức 95.000 – 96.200 đồng/kg, bình quân 95.700 đồng/kg, giảm 4.100 đồng/kg so với ngày hôm trước. So với mức đỉnh vào cuối tháng 4 (khoảng 134.000 đồng/kg), cà phê đã giảm giá đến hơn 35.000 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục giảm sâu từ 152 – 165 USD/tấn, tùy kỳ hạn so với ngày 7-5. Cao nhất là kỳ hạn cà phê giao tháng 7, ở mức 3.378 USD/tấn và thấp nhất là kỳ hạn giao tháng 1-2025, ở mức 3.128 USD/tấn.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn tại Tây Nguyên nói rằng thời gian qua giá cà phê biến động quá lớn nên rất ít giao dịch, chỉ những đơn vị cần hàng mới bắt buộc phải mua để thực hiện cam kết với khách hàng.
"Giá cà phê thời gian qua quá cao, các nhà rang xay trong nước ngán ngại, còn các nhà xuất khẩu chủ yếu giao hàng cũ đã ký từ đầu vụ" – đại diện doanh nghiệp này nói.
Theo số liệu thống kê, trong tháng 4 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 126.466 tấn cà phê Robusta, kim ngạch gần 452,6 triệu USD và đơn giá xuất khẩu 3.579 USD/tấn (tương đương 90.000 đồng/kg).
Theo thống kê, hiện 80% sản lượng cà phê Việt Nam sản xuất được dành để xuất khẩu, chỉ 20% tiêu thụ nội địa nên việc giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu phản ánh sự không bền vững của thị trường.
Trước đó, trả lời Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cho biết có 4 nguyên nhân cơ bản khiến giá cà phê giảm mạnh.
Thứ nhất, hiện tượng El Nino tại các vùng trồng trên thế giới là Brazil và Việt Nam về cơ bản đã kết thúc.
Thứ hai, Brazil nước xuất khẩu cà phê lớn nhất đã bước vào thu hoạch từ tháng 5. Trong đó, có giống cà phê Conilon - tương tự Robusta của Việt Nam dự báo có sản lượng tăng mạnh. Trước đây, mỗi năm Brazil xuất khẩu từ 2-3 triệu bao (mỗi bao 60 kg) Conilon nhưng năm nay có thể tăng lên 9-10 triệu bao (tương đương 540.000 - 600.000 tấn).
Thứ ba, đợt tăng giá cà phê vừa qua có sự tham gia của các nhà đầu cơ, các quỹ đầu tư lớn, dẫn đến tình trạng dư mua và tồn kho cao. Giờ là thời điểm họ bán ra để thu tiền về nên giá cà phê giảm là tất yếu.
Thứ tư, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) vừa công bố báo cáo cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 3 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu vụ cà phê 2023-2024, xuất khẩu cà phê tăng 10,4%.
Những thông tin này khiến thị trường lạc quan về nguồn cung cà phê đã cải thiện nên kéo giá đi xuống.
Người lao động