MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá chung cư ở thành phố chỉ khoảng 20 triệu/m2 nhưng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn thừa tới 50 triệu căn hộ, cần hơn 5 năm để giải quyết "hàng tồn kho": Tác động còn lan ra khắp thế giới

05-02-2024 - 10:45 AM | Tài chính quốc tế

Giá chung cư ở thành phố chỉ khoảng 20 triệu/m2 nhưng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn thừa tới 50 triệu căn hộ, cần hơn 5 năm để giải quyết "hàng tồn kho": Tác động còn lan ra khắp thế giới

Theo Data Watch, Trung Quốc hiện dư thừa không gian sống cho 150 triệu người, tương đương khoảng 50 triệu ngôi nhà, căn hộ.

Trung Quốc đang vật lộn với hậu quả của biến cố trên thị trường bất động sản. Do doanh số bán hàng yếu và lượng tồn kho bất động sản nhà ở vọt, dự kiến nền kinh tế số hai thế giới này sẽ phải mất hơn 5 năm để giải quyết lượng hàng dư thừa.

Đối mặt với khó khăn tài chính, các chủ đầu tư chung cư đang tìm cách bán tháo để lấy tiền mặt. “Giá căn hộ rộng 110 m2 ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên hiện đã giảm 22% xuống còn 620.000 nhân dân tệ (2,1 tỷ VND). Chúng tôi có thể giảm giá nhiều hơn nếu bạn quan tâm”, một nhân viên bán hàng tại Country Garden Holdings cho biết.

Cuộc cạnh tranh giảm giá nhà ở tại Trung Quốc đang diễn ra gay gắt khi thị trường nhà đất trong nước trở nên bão hòa. Theo cách tính của Data Watch, mức tồn kho dư thừa – được tính bằng cách lấy tổng diện tích nhà được xây dựng trừ đi tất cả diện tích sàn nhà được bán, đạt dưới 5 tỉ m2 cuối năm 2023. Giả sử, mỗi ngôi nhà hay căn hộ có diện tích sàn là 100 m2 và gồm ba thành viên gia đình, Trung Quốc hiện dư thừa không gian sống cho 150 triệu người, tương đương khoảng 50 triệu ngôi nhà, căn hộ.

Giá chung cư ở thành phố chỉ khoảng 20 triệu/m2 nhưng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn thừa tới 50 triệu căn hộ, cần hơn 5 năm để giải quyết "hàng tồn kho": Tác động còn lan ra khắp thế giới - Ảnh 1.

Lượng tồn nhà ở, căn hộ tại Trung Quốc (Đơn vị: tỉ m2). Nguồn: Cục Thống kế quốc gia Trung Quốc

Cơn sốt xây nhà giảm bớt sau khi nước này bắt đầu thắt chặt các quy định vào năm 2020. Nhưng lượng hàng tồn kho vẫn ở mức cao do doanh số bán hàng chậm. Diện tích sàn nhà ở được bán vào năm 2023 đạt tổng cộng 940 triệu m2, giảm khoảng 40% so với mức đỉnh 1,56 tỷ m2 vào năm 2021.

Thị trường nhà đất tại Trung Quốc thoái trào ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế khu vực. Nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất của các địa phương vắng bóng người mua, do các nhà phát triển bất động sản còn tồn hàng đã không tham gia.

Mất đi nguồn thu quan trọng, chính quyền địa phương đang phải vật lộn để trang trải khoản nợ ngày càng tăng các loại trái phiếu đặc biệt dành cho cơ sở hạ tầng. Việc nới lỏng tín dụng bổ sung của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được cho là chưa đủ mạnh để kích thích nhu cầu nhà ở.

Tình trạng dư thừa nhà ở của Trung Quốc đang gây áp lực giảm giá với nhiều loại hàng hóa quốc tế. Giá của các vật liệu nhà ở quan trọng như thanh thép, đồng trên thị trường tương lai có xu hướng giảm.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, gần 80% trong số 45 nhà sản xuất thép niêm yết của Trung Quốc rơi vào tình trạng báo động đỏ hoặc lợi nhuận ròng sụt giảm. Theo Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, xuất khẩu các sản phẩm thép từ Trung Quốc trong cả năm đạt 90 triệu tấn, tăng hơn 20 triệu tấn so với năm trước. Tan Chengxu, phó chủ tịch hiệp hội cho biết: “Xuất khẩu tăng đã làm giảm tình trạng dư nguồn cung”.

Tuy nhiên, nhu cầu về đồng đang tăng lên vì đây là vật liệu được sử dụng trong xe điện và các sản phẩm thân thiện với môi trường khác. Nhu cầu nhà ở yếu ở Trung Quốc sẽ giúp giá đồng được kiểm soát, hỗ trợ các nỗ lực khử cacbon toàn cầu.

Nhưng thế giới vẫn cảnh giác với tình trạng vật liệu xây dựng giá rẻ xuất khẩu từ Trung Quốc có thể tăng mạnh. Mexico đã tăng thuế đối với thép và các sản phẩm liên quan để bảo vệ ngành công nghiệp của mình trước cơn sóng hàng nhập khẩu Trung Quốc. Vì vậy, vỡ bong bóng bất động sản ở Trung Quốc không chỉ còn là vấn đề đau đầu riêng của nước này.

Theo Nikkei Asia

Yến Nguyễn

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên