MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Trung Quốc loay hoay với... nợ: 180 triệu người có thể bị ảnh hưởng, đe dọa lĩnh vực được coi là “xương sống" của nền kinh tế

04-02-2024 - 09:39 AM | Tài chính quốc tế

Doanh nghiệp Trung Quốc loay hoay với... nợ: 180 triệu người có thể bị ảnh hưởng, đe dọa lĩnh vực được coi là “xương sống" của nền kinh tế

Theo một cuộc khảo sát gần đây về sức khỏe tài chính, các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với tình trạng chậm thanh toán và những khó khăn vận hành khác.

Tình hình khó khăn

Theo SCMP, những kết luận này được đưa ra bởi Viện Tài chính Toàn diện tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc), dựa trên dữ liệu được thu thập từ hơn 2.300 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên cả nước.

Trong một báo cáo sau đó, học viện đã nêu ra những vấn đề cấp bách nhất đồng thời đưa ra đề xuất cho các tổ chức tài chính và chính phủ để trao quyền hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy niềm tin của thị trường và nâng cao khả năng phục hồi hoạt động.

Báo cáo được công bố hôm 30/1 đã kêu gọi sự chú ý đến “các vấn đề quan trọng nhất về dòng tiền” đối với các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc và cảnh báo rằng vấn đề quá lớn về nợ đọng gia tăng có thể là “một quân domino đánh đổ các doanh nghiệp khác”.

Cuộc khảo sát đã đánh giá tình hình tài chính của các công ty này về mặt quản lý tài chính hàng ngày, phòng ngừa rủi ro và quản lý vốn.

Hou Liming, một nhà nghiên cứu của học viện, cho biết hơn 1/3 số công ty được khảo sát “vẫn không ổn định về mặt tài chính, ảnh hưởng đến cuộc sống của 180 triệu người”.

Doanh nghiệp Trung Quốc loay hoay với... nợ: 180 triệu người có thể bị ảnh hưởng, đe dọa lĩnh vực được coi là “xương sống" của nền kinh tế - Ảnh 1.

Khoảng 80% các công ty “không ổn định về tài chính” cho biết có sự chậm trễ trong việc nhận thanh toán và báo cáo cho biết trở ngại này có thể dẫn đến rủi ro cao hơn trong hoạt động và điều kiện tài chính của họ so với các công ty khác.

Hou cho biết: “Mối quan tâm chính của các doanh nghiệp nhỏ và lợi nhuận thấp là dòng tiền cho hoạt động kinh doanh của họ.

Dựa trên định nghĩa của Cục Quản lý Thuế Nhà nước, các công ty nhỏ và lợi nhuận thấp ở Trung Quốc được định nghĩa là những thực thể nộp thuế hàng năm dưới 3 triệu nhân dân tệ (422.000 USD), có ít hơn 300 nhân viên và có tổng tài sản trị giá dưới 50 triệu nhân dân tệ.

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được coi là quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng các nhà chức trách và nhà kinh tế lưu ý rằng nhóm này dễ bị tổn thương nhất trước sự phục hồi đầy trắc trở mà đất nước đang phải đối mặt.

Vấn đề nghiêm trọng

Chậm thanh toán đã trở thành một vấn đề gây khó khăn cho khu vực tư nhân Trung Quốc - được coi là xương sống của tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm - đặc biệt là giữa các nhà cung cấp nhỏ hoặc nhà thầu của các công ty lớn và doanh nghiệp nhà nước.

Vấn đề ngày càng nghiêm trọng đến mức chính quyền trung ương đã phát động nhiều đợt chiến dịch trong vài năm qua để thúc đẩy và khuyến khích việc trả nợ.

Ông Hou cho biết: “Cuộc khảo sát nhằm xác định liệu các công ty có thể ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động hàng ngày của họ hay không và họ có thể đối phó với nhu cầu tài chính của mình ở mức độ nào, hiện tại và tương lai”.

Báo cáo kêu gọi đặc biệt chú trọng đến các mối lo ngại về dòng tiền, vốn được coi là “vấn đề cấp bách nhất” đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Báo cáo cho biết: “Cần có sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức tài chính để giảm bớt áp lực dòng tiền do nợ đọng hoặc sự chậm trễ nghiêm trọng trong các khoản tiền có thể thu hồi”.

Những người tham gia khảo sát cũng chỉ ra rằng việc thiếu tài sản đảm bảo cũng như quá trình phức tạp và “gian khổ” mà họ phải trải qua để vay vốn ngân hàng là những trở ngại chính cho hoạt động kinh doanh.

Ren Xinglei, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ Trung Quốc, cho biết những thách thức mà các công ty này phải đối mặt phản ánh nhu cầu về các dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp với nhu cầu của họ.

Ông nói thêm: “Điều quan trọng là phải nâng cao năng lực tài chính của các doanh nghiệp này để họ có thể vững vàng vượt qua thời kỳ thử thách”.

Báo cáo đề xuất rằng các tổ chức tài chính nên cung cấp các sản phẩm bảo hiểm có khả năng bảo vệ doanh nghiệp, cũng như bảo lãnh tín dụng và dịch vụ tích hợp cho các doanh nghiệp nhỏ.

Cũng trong báo cáo, Tamas Hajba, cố vấn cấp cao của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Trung Quốc, lưu ý rằng “hầu hết các doanh nghiệp nhỏ trên thế giới” đã phải đối mặt với những khó khăn phát triển trong thời kỳ hậu đại dịch.

“Giúp các công ty quy mô nhỏ thoát khỏi nợ nần, bằng cách tìm kiếm nguồn tài chính từ các kênh khác ngoài ngân hàng, đồng thời trao quyền cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và đạt được chuyển đổi xanh, đều là những hướng đi đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các bên”, ông nói.

Tham khảo SCMP

Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên