Giá cổ phiếu sẽ được hâm nóng khi ngân hàng mua cổ phiếu quỹ?
Trên thị trường OTC, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng việc các ngân hàng mua cổ phiếu quỹ sẽ hâm nóng giá cổ phiếu sau một thời gian rất dài đóng băng.
- 16-05-2016Bluechips bứt tốc trong phiên chiều, VnIndex đóng cửa tăng gần 5 điểm
- 16-05-2016Cổ phiếu thép điều chỉnh, cơ hội “bắt đáy” đang dần xuất hiện?
Đại hội cổ đông ngân hàng TPBank vừa qua đã thông qua việc mua lại không quá 10% vốn điều lệ làm cổ phiếu quỹ. Tại thời điểm 31/12/2015, vốn điều lệ của TPBank đạt 5.500 tỷ đồng, như vậy, TPBank sẽ mua tối đa khoảng 55 triệu cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, thời gian thực hiện từ thời điểm ĐHCĐ thông qua đến ngày 31/12/2016.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - Maritime Bank (MSB) ngày 5/5/2016 cũng ra nghị quyết mua lại tối đa 17,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ theo giá thị trường tại thời điểm mua nhưng tối đa không quá 8.900 đồng/cp. Với mức giá này Maritime Bank sẽ chi tối đa 155 tỷ để mua cổ phiếu quỹ.
Hai ngân hàng ngày hiện cũng chưa niêm yết nên câu hỏi đặt ra ở đây là cơ chế nào để xác định việc mua bán trên thị trường OTC? Giao dịch thỏa thuận giữa các bên sẽ theo thứ tự nào và có lo ngại lợi ích nhóm ở đây hay không?
Theo quy định của Nghị định 60/2015/NĐ-BTC và Nghị định 58, công ty đại chúng khi mua lại cổ phiếu quỹ không được mua cổ phần của người quản lý công ty, cổ đông lớn, người sở hữu cổ phần có hạn chế chuyển nhượng để làm cổ phiếu quỹ. Điều này có nghĩa rằng, ngân hàng sẽ phải mua thỏa thuận của các cổ đông nhỏ lẻ trên thị trường.
Hiện tại giá cổ phiếu TPBank trên sàn OTC đang giao dịch quanh mốc 8.500 – 9.000 đồng/cp, nếu TPBank mua tối đa 10% vốn điều lệ làm cổ phiếu quỹ, ngân hàng này dự kiến sẽ phải chi khoảng 467-495 tỷ đồng để mua hết số lượng này. Trong khi đó, trong năm 2016, TPBank chỉ đặt kế hoạch đạt 695 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 11% so với thực hiện năm 2015, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng ngày đạt 229 tỷ đồng sau khi đã thoát lỗ lũy kế trong năm 2015. Nếu sử dụng lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2015, TPBank sẽ không có đủ nguồn để mua lượng cổ phiếu quỹ này.
Cũng theo quy định của Nghị định 60, công ty không được mua cổ phiếu quỹ trong thời gian đang trong quá trình chào bán cổ phiếu để huy động thêm vốn. Hiện TPBank đang có kế hoạch phát hành gần 5% cổ phần ưu đãi cổ tức, tương đương 29,21 triệu cổ phiếu cho IFC với giá 13.800 đồng/cp, đây là cổ phiếu có cổ tức tỷ lệ 8,5%/năm trong khi các cổ đông hiện hữu không được trả cổ tức. Do đó, nhiều khả năng cổ đông TPBank sẽ phải chờ đợi sau khi giao dịch với IFC hoàn tất, ngân hàng này mới khởi động chương trình mua cổ phiếu quỹ.
Trên thị trường OTC, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng việc các ngân hàng mua cổ phiếu quỹ sẽ hâm nóng giá cổ phiếu sau một thời gian rất dài đóng băng. Ngoại trừ HDBank trả cổ tức 10%, ABBank trả cổ tức 3,9% bằng tiền mặt, VPBank trả cổ tức 13,07% và thưởng 5,69% bằng cổ phiếu (tổng 18,75%), hầu như các ngân hàng khác chưa niêm yết như TPBank, Techcombank, Seabank, PGbank, Maritime Bank, đều không chia cổ tức.
Các cổ đông nắm giữ cổ phiếu của các ngân hàng ngày như ngồi trên đống lửa, thậm chí một số cổ đông đi họp đại hội đã phản ứng gay gắt với ban lãnh đạo ngân hàng vì tiền cổ đông nếu gửi tiết kiệm cũng được một khoản lời rất lớn trong khi đầu tư vào ngân hàng cả tỷ đồng nhưng không thu được khoản lãi nào, trong khi giao dịch cổ phiếu khó khăn do ngân hàng luôn trì hoãn việc niêm yết.
Một số ngân hàng lấy lí do rằng ngoài việc giữ lại phần lợi nhuận để nâng hệ số CAR thì một lí do khác là việc trả cổ tức của các ngân hàng phải được sự đồng ý của NHNN. NHNN yêu cầu các ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ, xử lý nợ xấu, đảm bảo chỉ số về vốn khả dụng, hệ số an toàn vốn, tình trạng sở hữu chéo…mới đồng ý cho trả cổ tức.
Ở một góc độ khác, tháng 4/2016, Mobifone đấu giá 14,285 triệu cổ phần TPBank (tương đương 2,57% vốn điều lệ) nhưng chỉ có 8,735 triệu cổ phần được bán thành công với giá 8.900 đồng/cp, ngoài ra Mobifone cũng đấu giá 33,422 triệu cổ phần của Seabank với giá khởi điểm 9.600d dồng/cp nhưng không có nhà đầu tư nào tham dự đấu giá. Điều này cho thấy ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư chưa mặn mà với cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết cho dù các cổ phiếu này đều dưới mệnh giá.
Trên sàn, trong giai đoạn 3 tuần qua giá các cổ phiếu ngân hàng tăng khá mạnh trong đó BIDV tăng 16,8% từ 16.000 đồng/cp lên 18.700 đồng/cp, VCB tăng 16,7% từ 42.000 đồng/cp lên cao nhất 49.000 đồng/cp, CTG tăng 11% từ 16.200 đồng/cp lên 18.000 đồng/cp, SHB quanh mức 6.500 đồng/cp.
Người đồng hành