MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu lao dốc có dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn?

22-11-2018 - 12:38 PM | Tài chính quốc tế

Cú rơi chớp nhoáng của giá dầu trong hơn sáu tuần trở lại đây đã khiến các thị trường tài chính trở nên lo sợ về sức khỏe của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên tới nay, chúng ta chưa có bằng chứng xác thực về sự tác động này.

Tính đến đầu tuần này, giá dầu WTI đã giảm khoảng 26% so với đầu tháng và được giao dịch quanh vùng 56 USD/thùng. Đáng chú ý, giá dầu WTI đã trải qua đợt giảm trong 12 phiên liên tiếp, một con số kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua. Chuẩn giá dầu Brent cũng đã có mức giảm hơn 23% kể từ đầu tháng.

Trong lịch sử, mặc dù biến động của giá dầu rất ít khi bị chỉ ra là nguyên nhân trực tiếp gây ra các cuộc suy thoái kinh tế. Nhưng chúng ta đã thấy các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn thường gắn liền với sự bất ổn mạnh của giá dầu thô. Trong suốt giai đoạn 2007 – 2009, giá dầu thô WTI đã nhanh chóng tăng gần 2,5 lần từ mức 60 USD/thùng hồi tháng 1/2007 lên 147 USD/thùng vào tháng 7/2008 và sụt giảm mạnh về 32 USD/thùng trong tháng 12/2008.

Trong suốt giai đoạn kinh tế phục hồi sau đó, giá dầu cũng ổn định trở lại cho tới khi sụt giảm hơn 60% trong nửa cuối năm 2014 do cơn sốt dư thừa nguồn cung từ dầu đá phiến. Bởi thế, nhiều nhà đầu tư tin rằng việc giá dầu biến động mạnh trong gần hai tháng trở lại đây rất có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang gặp vấn đề nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, quan điểm đối lập cũng tồn tại song song. Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư dầu thô đang bị ảnh hưởng tâm lý thái quá bởi những diễn biến chính trị tiêu cực gần đây. Nhưng trên thực tế, nền kinh tế Mỹ vừa ghi nhận tăng trưởng GDP quý 2 cao nhất trong 4 năm gần đây. GDP quý 3/2018 mặc dù có mức tăng trưởng thấp hơn nhưng cũng rất ấn tượng. Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ít nhất 3% trong năm nay.

Deutche Bank cho biết, năm 2018 là năm mà số loại tài sản (asset classes) có tỷ suất sinh lời tính theo USD bị âm là nhiều nhất kể từ năm 1901. Theo một thống kê của tổ chức này gần đây, 89% các loại tài sản đã giảm giá trong năm nay, tính theo USD. Một số chuyên gia cũng cho rằng giá tài sản sụt giảm là do lực cầu đối với các tài sản này rất có thể đang yếu đi trước triển vọng kinh tế kém sáng sủa. World Bank cũng dự báo sau khi đạt đỉnh tăng trưởng trong năm nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu suy thoái từ năm sau.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng góp phần kéo giảm tăng trưởng kinh tế thế giới. Nguyên nhân là do các hàng rào thuế quan được hai bên dựng lên để đối phó thương mại với nhau sẽ hạn chế giao thương, làm tăng giá cả và khiến nhu cầu tiêu thụ giảm đi. Nhiều chuyên gia nhận định đây không chỉ đơn thuần là những mâu thuẫn thương mại giữa hai quốc gia, mà Mỹ thực sự đang muốn kìm hãm tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực từ tài chính tiền tệ tới quân sự.

Bởi thế, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump cuối tháng này được dự báo trước sẽ không có kết quả tốt đẹp. Nếu ông Donald Trump thực sự áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa có giá trị hơn 500 tỷ USD mà Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ kể từ đầu năm 2019, thương mại toàn cầu sẽ bị ách tắc nghiêm trọng. Viễn cảnh đó khiến nhu cầu về năng lượng sớm sụt giảm.

Mới hai tháng trước, niềm tin rằng giá dầu thô sẽ quay trở lại mốc 100 USD vào cuối năm được đẩy lên cao khi có sự đồng thuận về cắt giảm sản lượng của OPEC cũng như các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn ngoài OPEC, cùng với lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran trong tháng 8 năm nay. Tuy vậy, số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nguồn cung dầu mỏ từ nước này tiếp tục tăng lên, đưa Mỹ lần đầu trở lại vị thế dẫn đầu về sản lượng dầu mỏ sau hơn 40 năm. IEA cũng dự báo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ vượt nhu cầu trong năm 2019.

Diễn biến của giá dầu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và nhu cầu dầu mỏ, chứ không phải triển vọng nền kinh tế. Đương nhiên ở một khía cạnh nhất định, triển vọng kinh tế tốt hơn sẽ khiến hoạt động sản xuất và thương mại mở rộng nhanh làm tăng nhu cầu đối với dầu mỏ, qua đó tác động tới giá dầu. Tương tự, sự suy thoái kinh tế dẫn tới nhu cầu dầu mỏ suy giảm. Tuy nhiên, tác động giữa sức khỏe nền kinh tế tới giá dầu là yếu hơn rất nhiều so với tác động của nguồn cung dầu thô tới giá dầu. Bởi cho tới nay, dầu thô vẫn được xem là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng nhất và chưa có nguồn cung thay thế.

Tuy vậy, đó chỉ là mô tả về chiều tác động của tăng trưởng kinh tế thế giới tới giá dầu. Ở chiều ngược lại, chúng ta chưa có bằng chứng nào về việc giá dầu sụt giảm mạnh sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế trên diện rộng. Trong khi đó, chúng ta đã từng chứng kiến nhiều bằng chứng về sự không liên quan này. Đó là khi giá dầu sụt giảm hơn 60% trong năm 2014 – 2015 thì nền kinh tế thế giới vẫn giữ vững đà tăng trưởng cho tới nay.

Quang Huân

Tổng hợp

Trở lên trên