Giá dầu vượt 65 USD/thùng, Saudi Arabia cảnh báo hãy "cực kỳ thận trọng"
Giá dầu tiếp tục tăng do thời tiết chuyển xấu bất thường ở Mỹ. Chiều 18/2 theo giờ VN, giá dầu Brent tăng 56 US cent (0,9%) lên 64,9 USD/thùng, trước đó vài giờ có lúc giá đạt 65,62 USD/thùng, cao nhất kể từ 20/1/2020. Dầu Tây Texas cũng tăng 46 US cent (0,8%) lên 61,1 USD/thùng, trước đó có lúc đạt 62,26 USD, cao nhất kể từ 8/1/2020.
- 16-02-2021Giá dầu bất ngờ tăng nhanh, những gì sẽ tác động tới thị trường trong thời gian tới?
- 15-02-2021Giá dầu tăng ngay sớm đầu tuần do lo ngại gia tăng căng thẳng ở Trung Đông, WTI vượt 60 USD
- 21-01-2021Mỹ vẫn có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường dầu mỏ dù ông Biden không “ồn ào” hơn ông Trump
Mức cộng giá dầu Brent so với dầu Dubai đã tăng lên 2,63 USD/thùng trong ngày hôm nay, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020, theo số liệu của Refinitiv. So với ngày hôm qua, mức cộng này đã tăng 68 US cent.
Giá dầu WTI và Brent hiện đều cao nhất hơn 1 năm
So với cách đây một tuần, cả 2 loại dầu hiện đều cao hơn khoảng 6%.
Giá dầu thế giới tăng liên tục thời gian gần đây nhờ được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đối tác ngoài khối gồm Nga. Hai yếu tố quan trọng nữa đưa giá dầu đi lên là việc Saudi Arabia tự nguyện giảm thêm sản lượng, và hy vọng vào sự khởi sắc nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới dựa trên việc triển khai vaccine ngừa Covid-19.
Thời tiết lạnh giá kỷ lục từ cuối tuần vừa rồi ở Texas - khu vực giữ vai trò nguồn cung dầu thô chủ chốt của Mỹ và là một trung tâm lọc hóa dầu ở nước này - đẩy giá dầu lên cao hơn.
Tình trạng thời tiết băng giá ở Texas đã bước sang ngày thứ 5, khiến bang sản xuất năng lượng lớn nhất của Mỹ buộc phải tạm ngừng hoạt động lọc dầu cũng như hoạt động chuyển dầu khí ra ngoài biên giới qua Mexico.
Theo các nhà phân tích của Wood Mackenzie, nhiệt độ xuống sâu ở Texas đã khiến sản lượng dầu của Mỹ giảm khoảng 1 triệu thùng ngày, và tình trạng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần tới, vì miệng các giếng dầu bị đóng băn và các đường ống dẫn cũng rơi vào ngưng trệ.
"Đây là nhân tố đưa giá dầu leo thang lên ngưỡng tiếp theo", ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau thuộc Mizuho ở New York, nhận xét. "Giá dầu WTI có thể đạt tới mức gần 65,65 USD/thùng".
Hiroyuki Kikukawa, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Nissan Securities, cũng cho biết: "Giá dầu đã tăng trở lại do kỳ vọng rằng sự gián đoạn của các nhà sản xuất và lọc dầu ở Texas do bão lạnh có thể kéo dài trong một thời gian", và thêm rằng: "Với hy vọng về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ và việc triển khai rộng rãi vắc-xin COVID-19, giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục trong xu hướng tăng". Ông Kikukawa cũng tin rằng giá dầu WTI sẽ lên mức 65 USD/thùng.
Trong khi đó, Chiyoki Chen, nhà phân tích trưởng của Sunward Trading, cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.
Theo Viện Dầu mỏ Mỹ, trữ dầu thô của Mỹ trong tuần đến ngày 12/2 đã giảm 5,8 triệu thùng xuống khoảng 468 triệu thùng, cao gấp đôi mức dự đoán là giảm 2,4 triệu thùng của các nhà phân tích.
Sự phục hồi của dầu trong những tháng gần đây cũng được hỗ trợ tích cực bởi sự thắt chặt nguồn cung toàn cầu, phần lớn do OPEC+ cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu tăng nhanh, Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, cảnh báo các thành viên OPEC rằng hãy "cực kỳ thận trọng" vì độ không chắc chắn của thị trường dầu còn rất cao.
Tại hội nghị trực tuyến IEA-IEF-OPEC hôm 17/2, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói rằng: "Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh tốt hơn nhiều so với một năm trước, nhưng tôi phải một lần nữa cảnh báo rằng chúng ta không được tự mãn. Mức độ không chắc chắn là rất cao và chúng tôi phải cực kỳ thận trọng".
Trên thực tế, các nhà phân tích cũng cho biết, mọi hoạt động khai thác và lọc hóa dầu của Mỹ sẽ được khôi phục trở lại ngay khi trời ấm lên, vì cơ sở vật chất không bị ảnh hưởng như trong trường hợp một trận bão biển.
Tham khảo: Oilprices, Bloomberg, Reuters