Giá dầu WTI vượt 52 USD/thùng nhờ dự báo lưu trữ giảm mạnh
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch ngày 20/11 nhờ những dự báo về việc dầu lưu kho tại Mỹ giảm mạnh, qua đó cho thấy tình trạng dự cung toàn cầu đang được cải thiện.
Giá dầu Brent tăng 62 cent (1,1%) lên mức 55,54 USD/thùng.
Giá dầu WTI tăng 11 cent (0,2%) lên mức 52,23 USD/thùng.
Các nhà phân tích trong cuộc thăm dò mới đây của Reuters dự báo lượng dầu lưu kho tại Mỹ giảm 2,4 triệu thùng trong tuần trước. Trong khi đó, Viện Dầu khí Mỹ dự báo con số này có thể lên tới 4,1 triệu thùng.
Trên thực tế, hầu hết các kho dự trữ dầu tại Mỹ đều giảm trong những tuần trước nhưng số liệu ghi nhận trên cả nước lại tăng vì đột biến tại kho lưu trữ lớn ở Cushing, Oklahoma. Điều này có thể sẽ không xuất hiện trong báo cáo công bố ngày 21/12.
Mặc dù đồng USD lại một lần nữa chạm đỉnh 14 năm nhưng giá dầu Brent và WTI đều giữ được sắc xanh. Đồng USD tăng giá thường tác động tiêu cực tới giá dầu bởi điều đó khiến loại hàng hóa này trở nên đắt đỏ hơn một cách tương đối cho các nhà đầu tư sử dụng đồng tiền khác.
Các nhà đầu tư cho biết họ sẽ hạn chế giao dịch dần cho tới kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới. Điều này có thể chặn đà tăng của giá dầu và duy trì triển vọng ảm đạm từ nay tới đầu năm sau.
Thỏa thuận đóng băng lịch sử của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) và các nước khác giúp giá dầu có thời điểm đạt mức cao nhất trong 17 tháng qua. Năm 2016 có thể sẽ là năm đầu tiên giá dầu Brent kết thúc năm trong sắc xanh kể từ năm 2012.
Bộ trưởng Năng lượng Nga – ông Alexander Novak – cho biết việc kéo dài thỏa thuận là hoàn toàn có thể trong trường hợp cần thiết.
Theo báo cáo công bố cuối ngày 19/12, xuất khẩu dầu thô tại Saudi Arab giảm 176.000 thùng/ngày trong tháng 10 nhưng xuất khẩu sản phẩm tinh chế thì lại tăng bù lại nên tác động còn rất hạn chế.
Tại châu Á, công suất lọc dầu bổ sung đang tăng mạnh và dự kiến đạt đỉnh 3 năm vào năm sau, qua đó nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ được thúc đẩy. Đây là thị trường quan trọng nhất của Saudi Arab nói riêng và OPEC nói chung. Theo ước tính, nếu châu Á tăng 1,5% công suất lọc dầu, các quốc gia sẽ cần tới gần 29 triệu thùng/ngày.
Người Đồng hành