MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá lợn giảm, nhiều hộ chăn nuôi phải "treo" chuồng

02-11-2017 - 15:57 PM | Thị trường

Trong tháng 10, tình hình chăn nuôi lợn ngày càng khó khăn khi chi phí nuôi không giảm kèm theo vụ bê bối lợn bị tiêm thuốc an thần khiến giá lợn giảm. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thậm chí đã phải "treo" chuồng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 10, tình hình chăn nuôi lợn vẫn gặp khó khăn, giá thịt lợn trong tháng vẫn ở mức thấp, chưa đủ để hòa vốn. Trong khi đó, các chi phí chăn nuôi không giảm khiến người chăn nuôi lợn càng thêm khó khăn.

Nhiều hộ nhỏ lẻ không còn nuôi lợn. Các gia trại, trang trại vẫn tiếp tục nuôi nhưng đều có xu hướng giảm quy mô đàn. Đàn lợn cả nước ước tính đến tháng 10 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2016.


Giá lợn hơi ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An…giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm với tác động của vụ việc lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ ở TP Hồ Chí Minh.

Giá lợn hơi ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An…giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm với tác động của vụ việc lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ ở TP Hồ Chí Minh.

Giá lợn hơi trong tháng 10/2017 có xu hướng giảm tại nhiều vùng trên cả nước. Giá lợn hơi tại miền Bắc giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg xuống còn 26.000 - 29.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg, hiện dao động từ 28.000 – 29.000 đồng/kg. Tương tự, tại miền Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm sau sự kiện cơ quan chức năng phát hiện lợn bị tiêm thuốc an thần tại TP Hồ Chí Minh khiến giá lợn hơi ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An… giảm 2.000 – 4.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 27.000 – 29.000 đồng/kg

Về tình hình dịch bệnh, tính đến 24/10/2017, cả nước không còn tỉnh nào phát sinh dịch lợn tai xanh và lở mồm long móng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con chăn nuôi lợn, hiện nay chính phủ đang tìm cách xuất khẩu thịt lợn sang nhiều thị trường trong đó có Hàn Quốc - một thị trường khó tính nhưng cũng đầy tiềm năng. Trao đổi tại "Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam", ông Lee Jong Beom, Phó Tồng giám đốc Công ty Cổ phần Daewon Hàn Quốc cho biết hiện nay, hoạt động chăn nuôi, sản xuất thịt heo tại Hàn Quốc đang giảm mạnh do liên quan tới một số vấn đề về môi trường và dịch bệnh như lở mồm long móng. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này tăng mạnh.

Lợi thế của Việt Nam là có bộ giống lợn tốt từ nhập khẩu nhiều năm nay và có các tổ hợp lai tạo ra lợn thương phẩm chất lượng thịt thơm ngon, đặc biệt thịt ba chỉ và chân giò phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, ông Jong Beom còn nhấn mạnh người Hàn Quốc rất chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng thịt nhập khẩu đồng thời phải đảm bảo về vấn đề giá cả phải chăng. Trong khi đó, Việt Nam chưa được Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) công nhận sạch bệnh lở mồm long móng nên chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn. Vậy nên, trước mắt sẽ tập trung vào đàm phán xuất khẩu sản phẩm thịt lợn chế biến chín.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

Trở lên trên