Giá lợn hơi xuống thấp, người nuôi ngậm ngùi 'treo chuồng'
Sau một thời gian dài giá lợn hơi xuống thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, khiến nhiều hộ nuôi, trang trại nhỏ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã không thể cầm cự, phải bán tháo hết đàn lợn, nghỉ nuôi và
- 21-04-2023Giá lợn hơi tăng lên mức 55.000 đồng/kg ở các tỉnh phía Nam
- 24-03-2023Nghịch lý người nuôi lỗ lớn, giá thịt lợn ở chợ vẫn cao
- 14-03-2023Giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm: Nguồn cung tăng, sức mua thấp
- 09-03-2023Giá lợn hơi liên tục giảm
- 03-03-2023Giá thịt lợn hơi xuống dưới 50.000 đồng/kg
Tại huyện Châu Đức, địa phương có số hộ chăn nuôi lợn lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến thời điểm này đã có rất nhiều trang trại, hộ chăn nuôi phải bán tháo lợn và nghỉ nuôi.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức, nếu như cuối năm 2022, huyện có 171 nghìn con lợn, đến nay đã giảm hơn 11 nghìn con, còn khoảng gần 160 nghìn con. Số đàn nuôi giảm chủ yếu ở các trang trại, hộ nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Gia đình ông Đặng Đức Bình ở ấp Đông Linh, xã Bình Gĩa, huyện Châu Đức cách đây hơn 1 tháng đã quyết định bán tháo hết toàn bộ đàn lợn thịt và cách đây khoảng 1 tuần cũng đã bán hết đàn lợn nái quyết định “treo chuồng” nghỉ nuôi. Theo ông Bình, giá lợn hơi không tăng, giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn ở mức quá cao khiến người nuôi như ông liên tục bị thua lỗ nên không thể cầm cự để có thể tiếp tục theo nghề nuôi lợn đã hơn 10 năm nay qua.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thu Lan ở ấp Lộc Hòa, xã Bình Gĩa cũng trong cảnh tương tự, gia đình bà gắn bó với nghề nuôi lợn với quy mô nhỏ đến nay đã được gần 20 năm, mỗi lứa bà chỉ nuôi khoảng 40 con.
Bà Lan cho biết, giá lợn hơi liên tục lên, xuống bấp bênh, dịch bệnh lại liên tục hoành hành, cộng với giá cám tăng cao, mặc dù nuôi quy mô nhỏ nhưng bà cũng liên tục bị thua lỗ nên bà đã quyết định bán hết đàn lợn để nghỉ nuôi cách đây không lâu.
Bà Lan cho biết, thời điểm giá lợn hơi 49 nghìn đồng/kg, có lứa bà lỗ cả hơn 1 triệu đồng/con; lứa nào giá cao hơn một chút, sau 4 tháng nuôi bà cũng chỉ lãi được khoảng 200 nghìn đồng/con.
Gia đình ông Nguyễn Long Phú ở thôn 4, xã Bình Trung, huyện Châu Đức cũng quyết định nghỉ nuôi lợn từ cuối năm 2022 để chuyển qua nuôi dê thương phẩm. Ông Phú chia sẻ, mỗi lứa nuôi gia đình thường nuôi khoảng 30 con lợn thịt, thế nhưng giá lợn hơi rớt xuống thấp nên cũng không thể cầm cự được do chi phí cho mỗi lứa nuôi quá cao, người nuôi liên tục thua lỗ.
“Lứa nào ít gia đình tôi cũng lỗ tầm 700 nghìn đồng/con, có lứa lỗ trên 1 triệu đồng, không muốn lâm vào cảnh nợ nần chồng chất nên mặc dù gắn bó hơn 10 năm với nghề nuôi lợn, gia đình tôi quyết định nghỉ nuôi để chuyển qua nuôi dê”.
Theo khảo sát, đối với các trang trại quy mô vừa và hộ nuôi nhỏ lẻ, đầu tư chuồng trại ít nên khi nuôi thua lỗ họ có thể nghỉ nuôi chuyển qua làm công việc khác hoặc nuôi vật nuôi khác. Thế nhưng, đối với các trang trại được đầu tư quy mô lớn, số vốn bỏ vào xây dựng chuồng trại nhiều, người nuôi vẫn phải cố gắng cầm cự, “gồng” mình gánh lỗ chờ giá lên để bù phần nào chi phí đầu tư cả cơ ngơi chuồng trại đã bỏ ra. Trong khi đó, hầu hết người chăn nuôi hiện nay đều đang vay vốn để sản xuất nên khó càng khó hơn.
Ông Trần Tâm, chủ một trang trại nuôi lợn tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức cho hay, lứa lợn thịt nuôi hơn 100 con của gia đình ông đang đứng trước nguy cơ lỗ từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/con 1 tạ nếu bán với mức giá lợn hơi hiện nay là 50.000 - 52.000 đồng/kg.
“Hiện nay, tôi vẫn đang vay ngân hàng và anh em bạn bè gần 3 tỷ đồng để đầu tư trang trại và chăn nuôi. Vốn liếng bỏ ra đầu tư trang trại, chi phí chăn nuôi trong khi giá lợn hiện nay thấp nên người chăn nuôi đang phải gồng mình chống chọi. Mỗi tháng tôi phải cố gắng xoay sở để bù lỗ khoảng 50-60 triệu đồng cho đàn lợn nuôi quy mô vài trăm con, vừa trả tiền vay ngân hàng và các chi phí sinh hoạt, sản xuất khác. Thời gian tới, tôi sẽ tính toán cân đối chi phí đầu vào đầu ra cho hợp lý để giảm bớt lỗ khi thị trường ngành chăn nuôi nói chung, nuôi gia súc nói riêng vẫn còn bấp bênh”, ông Trần Tâm nói.
Những người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đứng ngồi không yên. Bởi, bài toán chi phí đầu vào và đầu ra đang đối nghịch nhau. Đó là giá cám nguồn thức ăn chính trong chăn nuôi đang ở mức cao giảm nhỏ giọt, trong khi đó giá lợn hơi bán ra lại đi xuống và chưa thấy dấu hiệu khởi sắc. Nếu không giải được bài toán này, nguy cơ các trang trại nhỏ, hộ chăn nuôi đóng cửa, “treo” chuồng ngày một tăng là điều không tránh khỏi.
Trước biến động về giá thức ăn, chi phí đầu vào tăng cao, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng tái đàn, bảo đảm sự phát triển ổn định. Ngoài ra, tăng cường chuyển đổi sang hướng chăn nuôi an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm thịt lợn đạt chất lượng cao.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, lợn tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật; kiểm tra hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; tiếp tục theo dõi tình hình cung ứng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để có khuyến cáo và định hướng phù hợp cho người chăn nuôi.
Báo tin tức