“Giả nghèo” thử lòng người cháu ruột, cụ ông U70 nhận cái kết khó ngờ: Cất kỹ tiền tiết kiệm là quyết định sáng suốt
Sau khi thử lòng cháu trai, cụ ông người Trung Quốc sốc nặng khi phát hiện 1 sự thật đau lòng. Từ ấy trở đi, ông có cách giữ tiền tiết kiệm khôn ngoan để tránh mắc sai lầm.
- 26-10-2023Lương hưu vỏn vẹn 7 triệu đồng, cụ ông tìm thêm việc làm nhưng nhận về hối hận, muốn yên ổn cần hiểu 1 điều
- 22-10-2023Cụ ông thọ 92 tuổi, trước khi qua đời tiết lộ 1 điều tâm đắc: Tới trung niên ai cũng nên biết để sống lâu
- 25-07-2023Có khoảng 1,6 tỷ đồng tiền tiết kiệm, tôi “giả nghèo” để thử lòng các con, ai ngờ nhận bài học nhớ đời
Cụ ông nuôi cháu ruột nhiều năm, coi như con đẻ
Sau khi về hưu, ai cũng muốn có 1 cuộc sống bình yên bên gia đình. Thế nhưng cụ ông Vương Tư Lộ, 66 tuổi, đến từ Trung Quốc lại chọn sống 1 mình, không kết hôn, không sinh con. Nhiều năm sống 1 mình, ông Vương vẫn chắt chiu, tiết kiệm để về già không phải sống trong nghèo khó và dựa dẫm vào ai.
Từ khi còn trẻ, ông Vương vẫn là 1 người làm việc chăm chỉ, tích lũy tài sản, gắn bó với 1 công việc ổn định ở doanh nghiệp vừa. Sau nhiều thập kỷ làm việc, hiện tại cụ ông này nhận được lương hưu 3000 NDT (10 triệu đồng) và có 1 khoản tiền tiết kiệm khoảng 150.000 NDT (500 triệu đồng). Vì vậy, cuộc sống của ông rất ổn định, không gặp áp lực về đồng tiền.
Ông Vương Tư Lộ còn có 1 người anh trai tên là Vương Tư Bình. Người này có 3 người con trai nhưng đời sống không mấy ổn định, thường vướng vào nợ nần. Khi gia đình Vương Tư Bình thường xuyên đi làm ăn ở nơi xa, người này cũng gửi 1 người con ở lại sống với Tư Lộ. Từ đó trở đi, ông Vương Tư Lộ nhận nuôi cháu ruột của mình. Đối với ông, việc này giúp ông có thể san sẻ gánh nặng với anh trai. Không chỉ vậy, đó cũng là cách giúp ông bớt sống trong cô đơn.
Từ chục năm trước, cháu trai đã ở cạnh ông Vương. Hàng ngày, cụ ông này lo toan, chăm sóc cho cháu từng li từng tí. Ông coi cháu ruột như con đẻ của mình và dành rất nhiều tình yêu thương cho người này. Anh trai ông Vương vẫn gửi tiền sinh hoạt phí cho con, thế nhưng có lúc thu nhập thất thường, người này không đảm bảo tháng nào cũng gửi đủ. Thế nhưng cụ ông 66 tuổi không hề quan tâm tới vấn đề tiền nong. Hàng tháng, ông còn thường xuyên mua quà, quần áo mới… cho cháu trai để thể hiện tình cảm cũng như trách nhiệm của mình.
Tới nay, cháu trai của ông Vương cũng đã 27 tuổi. Sau khi ra trường, người này làm việc ở doanh nghiệp 3 năm để kiếm chút vốn liếng. Tới hiện tại, anh chàng dồn vốn mở quán bán hàng và thật may mắn là buôn may bán đắt. Ông Vương cũng vô cùng vui mừng vì cháu mình có thu nhập tốt, sớm ổn định cuộc sống.
Cụ ông “giả nghèo” thử lòng cháu và nhận cái kết đáng buồn
Vì đã có tuổi nên sức khỏe của người đàn ông U70 đã xuống dốc dần. Một ngày nọ ông Vương cảm thấy chóng mặt, choáng váng, cơ mặt như căng lại, nói cũng không ra hơi. Vì vậy, ông ngay lập tức cầm điện thoại gọi cho cháu ruột của mình. Ít phút sau, cháu trai ông Vương xuất hiện và đưa ông nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán cụ ông U70 mắc bệnh nhồi máu não, tuy không đe dọa tới tính mạng nhưng sức khỏe sẽ giảm đi rất nhiều.
Ông Vương phải nằm viện hơn 1 tháng. Trong những ngày đó, cháu trai vẫn đến thăm nom và chăm sóc ông. Sau khi bệnh tình đã thuyên giảm, ông Vương có thể tự lo việc ăn uống, sinh hoạt trong viện nên không nhờ tới cháu. Tuy nhiên, 1 cuộc trò chuyện của cụ ông U70 với cháu ruột khiến ông không khỏi suy nghĩ. Khi ông Vương mới đổ bệnh, ông giật mình khi cháu trai bộc bạch: “Bây giờ chú phải giữ gìn sức khỏe thật tốt. Chú cũng có tuổi rồi, lại sống 1 mình nên càng phải chú ý sức khỏe. Chú mà già yếu thì tiền tiết kiệm cũng chẳng để làm gì. Mà hiện tại chú tiết kiệm được nhiều chưa, chú tính sao về tài sản ấy ạ?”
Chưa hết, lần khác, khi ông Vương thử lòng cháu ruột, ông cũng nhận cái kết đáng buồn. Một lần, cụ ông gọi cháu trai tới, giả vờ rằng mình thiếu tiền trả viện phí. Ông bày tỏ: “Thời gian qua chú sống trong bệnh viện lâu quá, nên viện phí cũng không nhỏ. Chú đã trả được gần hết rồi, chỉ thiếu khoảng 15.000 NDT (50 triệu đồng) nữa thôi, cháu có thể cho chú mượn số tiền này hay không?”
Dù ông Vương nói với giọng khẩn thiết, nhưng cháu trai đáp rằng: “Hiện tại cháu không có tiền nên chắc sẽ không giúp chú được, cháu nghĩ chú thử hỏi thêm người khác xem có ai hỗ trợ chú được hay không”. Từ đó trở đi, người đàn ông 66 tuổi có cái nhìn khác hẳn về cháu ruột của mình. Dù đã gắn bó nhiều năm nhưng cháu trai lại là người làm ông Vương thất vọng.
Cũng từ lần ấy, ông Vương quyết định sẽ gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng nhiều năm nữa. Ông cũng suy nghĩ lại về việc để lại tài sản của mình cho ai, dùng vào việc gì. Ông vẫn cảm thấy may mắn vì bản thân tự chủ tài chính, không phải sống nhờ vả vào bất kỳ ai. Đây cũng là cuộc sống mà mỗi người nên hướng đến để không rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu hay mâu thuẫn tình cảm.
Theo Toutiao
Phụ nữ số